“Dịch Covid-19 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề tới ngành dệt may trong khu vực, ảnh hưởng tới hàng nghìn doanh nghiệp và hàng triệu công nhân”, Christian Viegelahn, nhà kinh tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại văn phòng châu Á - Thái Bình Dương, nói trong buổi họp báo chiều 21/10.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chiếm 60% tổng xuất khẩu may mặc của thế giới, bị ảnh hưởng đáng kể vì đại dịch.
Năm 2019, khu vực này có khoảng 65 triệu công nhân dệt may, chiếm 75% nhân lực của ngành này trên thế giới.
Xuất nhập khẩu dệt may “gần như sụp đổ” ở châu Á
Báo cáo công bố ngày 21/10 của ILO đánh giá tác động của Covid-19 lên ngành dệt may châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, thương mại toàn cầu trong ngành may mặc “gần như sụp đổ trong nửa đầu 2020”.
Nhập khẩu hàng may mặc của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật đều giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, nhập khẩu hàng may mặc của Liên minh châu Âu (EU) giảm 46%, 47%, 27% lần lượt trong các tháng 4, 5, 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số giảm ở Mỹ lần lượt là 37%, 51%, 32% cùng thời gian.
Cũng trong 3 tháng này, nhập khẩu mặt hàng dệt may tại Nhật Bản giảm 8%, 33%, 19%.
“Nhiều nước (ở châu Á - Thái Bình Dương) có các biện pháp đóng cửa nhà máy bắt buộc trong các tuần hồi tháng 3-4. Điều này có nguy cơ lặp lại nếu các chính quyền coi là cần thiết để ngăn virus lây lan”, ông Viegelahn nói.
“Tính trung bình, mỗi công nhân dệt may mất 2-4 tuần làm việc. Hiện chỉ có 3 trên 5 công nhân được nhà máy gọi trở lại”, ông nói về tình hình toàn khu vực.
Chỉ tính riêng lượng hàng dệt may từ Việt Nam, tổng lượng nhập khẩu của ba thị trường trên (EU, Mỹ, Nhật) cũng giảm mạnh, ở mức khoảng 20%, 40% và 70% trong các tháng 4, 5, 6 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính trong 6 tháng đầu năm, tổng nhập khẩu hàng may mặc của EU, Mỹ, Nhật từ Việt Nam giảm hơn 20%.
Mức đi xuống trong xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU, Mỹ, Nhật được giảm nhẹ phần nào bởi mức tăng 297% lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam sang ba thị trường trên (tính 6 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm 2019). Nhưng lượng khẩu trang xuất khẩu này chỉ bằng 6% tổng hàng dệt may xuất sang ba thị trường.
Khi đại dịch lan rộng toàn cầu, nhiều thương hiệu thời trang toàn cầu hủy hoặc hoãn đơn hàng, xin chiết khấu, xin giãn thời hạn thanh toán, do nhu cầu người tiêu dùng giảm. Một số hãng lớn như Brook Brothers, Debenhams, G-Star, J. Crew, JC Penney hay Neiman Marcus đã tuyên bố phá sản hoặc buộc phải giao lại cho bên thanh lý nợ.
Công ty tư vấn McKinsey ước tính hồi tháng 4/2020 rằng có thể có tới 1/3 các thương hiệu nhập hàng may mặc toàn cầu sẽ không vượt qua được đợt khủng hoảng này. Nhiều công ty vốn đã chật vật trong việc thích ứng với môi trường bán lẻ đang đổi thay, và nhiều chuỗi hàng thời trang đã nợ sâu từ trước đại dịch.
Đơn hàng bị hủy, nhu cầu giảm, phong tỏa dẫn tới sa thải công nhân xảy ra rộng rãi - tình hình này khác nhau ở từng nước.
Tại Việt Nam, một báo cáo cách đây vài tháng của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho thấy 80% công ty dệt may đã từng sa thải nhân công trong các tháng 4-5, dự kiến sẽ sa thải thêm trong các tháng 7-9, theo báo cáo của ILO.
Ngoài ra, ILO dẫn thông tin từ VITAS cho biết dệt may là một trong những ngành thiệt hại nặng nề nhất của Việt Nam. 70% nhà sản xuất phải giảm giờ làm, cho nhân công làm luân phiên vào tháng 3, và thêm 10% nữa vào tháng 4-5.
Vào tháng 7, VITAS cho biết các doanh nghiệp mở lại chỉ hoạt động ở 50-60% công suất và khoảng 500-600 nghìn công nhân vẫn phải nghỉ không lương. Tổng số nhân công ngành dệt may của Việt Nam vào khoảng 2,5 triệu.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam ước tính thiệt hại cho ngành vào khoảng 8,5-12 tỷ USD cho đến cuối năm - ngang với 22-31% lượng xuất khẩu hàng dệt may năm 2019, theo báo cáo của ILO.
Cần hỗ trợ công nhân, nhất là công nhân nữ
Trong số khoảng 65 triệu công nhân dệt may ở châu Á - Thái Bình Dương, đa số là phụ nữ (35 triệu), biến ngành này thành ngành tuyển dụng phụ nữ nhiều nhất trong mọi ngành công nghiệp của khu vực.
“Đại dịch đang ảnh hưởng nặng hơn tới phụ nữ, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới sẵn có, một số tiến triển về bình đẳng giới có thể bị đảo ngược”, ông Viegelahn, nhà kinh tế của ILO, nói.
ILO kêu gọi các chính phủ và ngành dệt may, các bên liên quan có những biện pháp bao quát để bảo vệ thu nhập, sức khỏe, việc làm và hỗ trợ công nhân qua đại dịch. ILO cũng kêu gọi hợp tác để giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài, tạo nên ngành dệt may bền vững và công bằng hơn, có hệ thống bảo vệ xã hội tốt hơn.
Tình hình khó khăn có thể ảnh hưởng tới điều kiện làm việc trong ngành - đó là cảnh báo từ Tara Rangarajan, Giám đốc truyền thông của BetterWork, chương trình của ILO và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân dệt may.
“Có rủi ro là các nhà máy đang chịu thiệt hại sẽ dễ phải chấp nhận đơn hàng của các nhãn hàng, rồi để cho điều kiện làm việc của công nhân không được đảm bảo”, bà Rangarajan nói tại buổi họp báo. “Cần phải cùng hợp tác - các nhãn hàng cũng phải có trách nhiệm - sao cho những (công nhân) yếu thế không phải chịu thiệt”.
“Phải làm sao để đây không trở thành cuộc đua xuống đáy, mà phải là cuộc đua đi lên”.
Báo cáo của ILO nhận định mức giảm mạnh về nhu cầu hàng dệt may, về sản lượng và việc làm trong ngành đang có “chặng đi xuống dốc hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009”.
“Độ sâu của sự tụt giảm cũng như tốc độ, hình thái phục hồi của ngành có thể sẽ không hoàn toàn hiện rõ cho tới năm 2021 hoặc 2022”, báo cáo viết.