Dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tới sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may trong nước và thế giới. Dự báo, xuất khẩu dệt may năm 2020 của Việt Nam có thể giảm từ 14-15%, đạt khoảng 34 tỷ USD.
Tác động từ tổng cầu thế giới sụt giảm
Theo đại diện Bộ Công Thương, 11 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 26,73 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ; trong khi xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác cũng giảm 26,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 13,5%...
Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục.
Dù vậy, đặt trong bối cảnh chung của thế giới, dưới tác động của dịch COVID-19 khiến tổng cầu thế giới giảm từ 20-25% thì việc duy trì mức xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng vừa qua là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ cho biết, mặc dù nằm ở tâm điểm của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai tại Việt Nam và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ, nhưng với các giải pháp tổng thể, các doanh nghiệp dệt may của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại miền Trung đều hoạt động hiệu quả, đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho gần 20.000 người lao động.
Còn theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, việc Chính phủ sửa Nghị quyết 20 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 rất kịp thời, qua đó giúp doanh nghiệp dệt may “xoay chuyển tình thế”.
Từ việc có thể giảm mạnh doanh số thì năm nay, May 10 có thể đạt mức tăng trưởng 3%, thậm chí Tổng công ty cũng không phải cắt giảm mà còn tuyển thêm nhiều lao động từ tháng 5 trở lại đây.
“Doanh nghiệp cũng bày tỏ vui mừng khi nước ta ký được các Hiệp định thương mại tự do, như EVFTA, nhờ đó mà ngành hưởng lợi trực tiếp từ cắt giảm thuế suất về 0%. Đây là cú hích tốt cho ngành phát triển,” Tổng Giám đốc May 10 thông tin.
- Xuất khẩu dệt may vào một số thị trường trong 9 tháng:
Để đạt được các kết quả đó, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam thông tin, các doanh nghiệp trong Vinatex đã linh hoạt triển khai trong công tác tổ chức sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận các đơn hàng có giá trị gia tăng thấp, tập trung nghiên cứu và phát triển nhanh các đơn hàng mới phục vụ chống dịch…
Đối với sản phẩm hàng may mặc, sản lượng sản phẩm sản xuất các loại lên tới 537 triệu sản phẩm, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước.”
“Mặc dù đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục nhưng mức giảm của Dệt May Việt Nam không lớn như các quốc gia khác,” ông Lê Tiến Trường nói.
Cơ hội tái cơ cấu chuỗi cung ứng
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, Dệt may Việt Nam vẫn luôn là ngành có giá trị xuất khẩu luôn trong top đầu các ngành hàng chủ lực.
Song, qua đại dịch COVID-19 vừa qua, bài toán đứt gãy nguồn cung cũng như phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài đã trở thành những vấn đề hết sức cấp thiết trong chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may.
Ông Lê Tiến Trường, cho biết năm 2020, với đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, các chuỗi cung ứng đứt gãy, cầu hàng hóa sụt giảm, các quốc gia đóng cửa ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành kinh tế trong đó có dệt may.
Tính riêng trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu Dệt may Việt Nam giảm 12% so cùng kỳ năm trước (đạt 25,6 tỷ USD).
Từ thực tế này, để phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đề nghị trong thời gian tới, ngành dệt may cần chú trọng hơn đến phát triển thị trường nội địa để bảo đảm bền vững hơn cho sản xuất kinh doanh dài hạn.
Ông cũng gợi ý ngành tập trung đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh hội nhập sâu rộng là một giải pháp rất hữu hiệu, qua đó ngành có thể phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.
Tại cuộc làm việc với các doanh nghiệp dệt may, da giày mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngành dệt may, da giày cũng đang hưởng lợi nhờ các hiệp định thương mại tự do, cùng với đó thị trường trong nước được chú trọng hơn, chất lượng, mẫu mã hàng dệt may, da giày ngày càng được nâng cao.
Song để khẳng định vị thế cao hơn trên thị trường trong và ngoài nước, Thủ tướng yêu cầu ngành dệt may, da giày chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý sản xuất những sản phẩm chất lượng cao hơn.
“Chúng ta cần chú trọng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng của ngành, trong đó có vấn đề công nghiệp phụ trợ, quản trị, chiếm lĩnh thị trường để phát triển,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.