"Một mặt, dư luận châu Âu đang yêu cầu các công ty phải thể hiện rõ ràng nguyên tắc trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Mặt khác, họ phải chịu phản ứng dữ dội của dư luận Trung Quốc nếu thể hiện trách nhiệm này. Họ sẽ bị nói là đang chống Trung Quốc", Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc cho biết.
Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, đại diện hơn 1.700 công ty, phát tuyên bố trên khi H&M - nhà bán lẻ quần áo thời trang, phụ kiện của Thụy Điển - đang bị phản ứng dữ dội và tẩy chay ở nước này vì ngừng mua bông sản xuất ở Tân Cương, theo báo South China Morning Post.
Phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ lao động trên các cánh đồng bông ở Tân Cương, và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ trong các "trại cải tạo" ở khu vực này.
Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc trên, nói rằng đó chỉ là những trại đào tạo nghề và là điều cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nói họ không đề cập đến các trường hợp riêng lẻ, nhưng khẳng định "ngày càng nhiều công ty châu Âu gặp khó khi môi trường kinh doanh ngày càng bị chính trị hóa".
H&M bị tẩy chay khi các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc loại bỏ các sản phẩm của nhà bán lẻ Thụy Điển này khỏi các kệ hàng trực tuyến.
Các thương hiệu khác như Burberry (Anh), Nike, New Balance (Mỹ) và Adidas (Đức) cũng bị tẩy chay sau khi tờ Nhân Dân Nhật Báo liệt kê các công ty này vào danh sách doanh nghiệp không sử dụng bông Tân Cương.
"Có nhiều công ty nước ngoài ra tuyên bố ngừng sử dụng bông Tân Cương trong 2 năm qua", tờ Nhân Dân Nhật Báo viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Chủ đề người nổi tiếng Trung Quốc tuyên bố cắt hợp đồng quảng cáo với các nhãn hiệu quốc tế đang trở thành một trào lưu nóng trên Weibo, đi kèm các hashtag như "Tôi ủng hộ bông Tân Cương", "Các công ty sẽ thua lỗ nếu không sử dụng bông Tân Cương".
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 25-3 cho biết người tiêu dùng đã "phản ứng bằng hành động với các quyết định dựa trên thông tin sai lệch của một số công ty nhất định".
"Chúng tôi hi vọng những công ty đó sẽ tôn trọng thị trường và sửa chữa những hành động sai lầm để tránh chính trị hóa các vấn đề thương mại" - phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói.
Ông Cao cho rằng bông Tân Cương rất tốt và "không nên là chủ đề để bất cứ thế lực nào bôi nhọ", và rằng Trung Quốc chào đón các công ty nước ngoài đến Tân Cương, sẵn sàng hỗ trợ những công ty quan tâm đến đầu tư hay giao thương với khu vực này.
Mới nhất, Trung Quốc ngày 26-3 tuyên bố trừng phạt 4 tổ chức và 9 cá nhân của Anh vì vấn đề Tân Cương. Trước đó, Bắc Kinh ngày 22-3 tuyên bố trừng phạt trả đũa 10 cá nhân tại châu Âu, gồm 5 thành viên Nghị viện châu Âu, và 4 thực thể liên quan đến các biện pháp trừng phạt của EU đối với Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương.
Người làm việc trên cánh đồng bông vải ở Tân Cương - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Al Jazeera, trong một tuyên bố không ghi ngày tháng, H&M cho biết họ không dùng bông vải ở Tân Cương do "quan ngại sâu sắc về các báo cáo từ những tổ chức xã hội dân sự và truyền thông liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử người dân tộc thiểu số".
Vào cuối năm ngoái, hãng cũng từng tuyên bố không sử dụng nguồn bông vải ở Tân Cương sau khi bị Viện Chiến lược chính sách Úc chỉ đích danh là kiếm lợi từ hoạt động cưỡng bức lao động ở Tân Cương.
Trước đó, Mỹ và các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đối xử tệ với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác theo Hồi giáo tại nước này. Họ cáo buộc Bắc Kinh dồn ép các nhóm dân tộc này vào các "trại cải tạo" ở Tân Cương.
Đáp lại các cáo buộc, chính quyền Trung Quốc mạnh mẽ phủ nhận, khẳng định họ lập ra các trung tâm đào tạo nghề để giúp người thiểu số hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn.
Trước thông báo của H&M, dư luận Trung Quốc ngay lập tức dậy sóng và một làn sóng tẩy chay, bỏ việc ở H&M diễn ra.
Đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc có thông điệp đến hơn 15 triệu người theo dõi trên Weibo chỉ trích H&M: "Phỉ báng và tẩy chay bông vải Tân Cương trong khi muốn kiếm tiền từ Trung Quốc? Đừng mơ".
Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã cảnh báo H&M sẽ phải gánh chịu hậu quả do hành động của mình.
Một cửa hàng của H&M tại Bắc Kinh ngày 24-3-2021 - Ảnh: REUTERS
Nhiều sao Trung Quốc cũng nhanh chóng cắt liên hệ với H&M. Nam diễn viên Hoàng Hiên (Huang Xuan) ngày 24-3 cho biết anh đã chấm dứt mọi hợp đồng với H&M và phản đối mọi hành vi nói xấu và bôi nhọ Trung Quốc và vấn đề nhân quyền.
Tống Thiến (Victoria Song), ca sĩ diễn viên Hàn Quốc và Trung Quốc, người thường giới thiệu các mẫu thời trang của H&M, cũng thông báo ngừng hợp tác với nhãn hàng này vì đặt lợi ích quốc gia lên trên.
Các sản phẩm của H&M đã bị bỏ khỏi hầu hết các nền tảng thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc như JD, Taobao và Pinduoduo. Ngày 24-3, khi tìm kiếm sản phẩm của H&M trên những nền tảng này, người dùng không nhận được kết quả nào.
Phản ứng dữ dội với H&M diễn ra chỉ một ngày sau khi Liên minh châu Âu, Anh và Canada đưa ra một loạt lệnh hạn chế đi lại và đóng băng tài sản với nhiều cá nhân và thực thể ở Trung Quốc về việc đàn áp người dân tộc thiểu số ở Tân Cương.
Phía H&M Trung Quốc cho biết chuỗi cung ứng toàn cầu của họ được quản lý để tuân thủ các cam kết bền vững và không phản ánh bất kỳ quan điểm chính trị nào nhưng không thể xoa dịu tình hình.
Trung Quốc sản xuất 22% bông vải cho thế giới và 84% số lượng này đến từ Tân Cương, theo một báo của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế - viện nghiên cứu chính sách độc lập nổi tiếng trụ sở tại Washington, D.C., Mỹ.
Từ tháng 7-2020, đã có nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ tìm cách tránh xa bông vải ở Tân Cương. Theo Liên minh chấm dứt lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ, họ đã kêu gọi gần 200 nhãn hàng ở 36 nước cắt đứt mọi quan hệ với các nhà cung cấp liên quan đến lao động cưỡng bức trong vòng 12 tháng.
"Tai nạn" của H&M là sự cố mới nhất mà các công ty đa quốc gia nước ngoài gặp phải ở Trung Quốc trong những năm gần đây.
Trước đây, khi Chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ đặt hệ thống chặn tên lửa (Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối - THAAD), các ban nhạc K-pop đã bị "đứng hình" ở thị trường Trung Quốc. Các chuỗi siêu thị Hàn Quốc như Lotte cũng trở thành mục tiêu của các cuộc biểu tình và phá hoại, buộc công ty phải rời thị trường Trung Quốc.
HỒNG VÂN
https://tuoitre.vn/hm-bi-dan-trung-quoc-tay-chay-vi-ngung-mua-bong-vai-tan-cuong-20210325111147019.htm
----------------------------
Mỹ cấm toàn bộ bông có nguồn gốc Tân Cương, nguy cơ ảnh hưởng chuỗi dệt may
TTO - Chính quyền Donald Trump đã ra lệnh cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm bông và cà chua xuất xứ Tân Cương (Trung Quốc) với cáo buộc 'sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ'. Động thái có thể ảnh hưởng tới 20% nguồn cung bông toàn cầu.
Thu hoạch bông ở Tân Cương, Trung Quốc - Ảnh: AFP
Trong thông cáo ngày 13-1, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) cho biết lệnh cấm áp dụng đối với sợi bông thô, quần áo và hàng dệt làm từ bông trồng ở Tân Cương, kể cả các sản phẩm được làm ra ở nước thứ ba.
Các sản phẩm như cà chua đóng hộp, nước xốt, hạt và các sản phẩm cà chua khác có nguồn gốc Tân Cương cũng bị cấm tương tự như bông.
CBP sẽ tịch thu các lô hàng nghi ngờ và chỉ cho xuất kho nếu doanh nghiệp chứng minh được sản phẩm của mình không có nguồn gốc từ Tân Cương. Nhà xuất khẩu cũng có thể chọn bốc dỡ hàng hóa khỏi lãnh thổ Mỹ và chuyển sang thị trường khác để giảm thiệt hại.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là buộc Trung Quốc phải chấm dứt các hành vi kinh khủng của họ", ông Ken Cuccinelli, một quan chức cấp cao thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ, nhấn mạnh. Washington đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh "cưỡng bức lao động" những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, đẩy họ vào các "trại cải tạo" ở Tân Cương.
Tân Cương là vùng sản xuất bông lớn của thế giới, cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt may của nhiều nước. Hãng thông tấn AP nhận định lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt là các nước nhập khẩu bông chủ yếu từ Trung Quốc.
Một số nhà nhập khẩu Mỹ đã phản đối lệnh cấm với lý do không thể nào rà soát hết nguồn gốc nguyên liệu và đảm bảo không có "nguyên liệu bẩn" trong chuỗi cung ứng. Điều này cũng tạo ra thêm áp lực cho các nhãn hiệu thời trang phải làm việc lại với đơn vị gia công, bất kể việc những công ty này đặt ngoài Trung Quốc.
Ông Scott Nova, giám đốc điều hành của Worker Rights Consortium, nhận định động thái của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới khoảng 20% nguồn cung cấp bông toàn cầu.
Thống kê năm 2020 cho thấy Mỹ nhập từ Trung Quốc khoảng 9 tỉ USD các sản phẩm làm từ bông, chưa kể những sản phẩm từ nước thứ ba. Tổng cộng đã có 43 lô hàng xuất xứ Trung Quốc bị chặn nhập khẩu vào Mỹ.
Trong cuộc họp báo ngày 13-1, khi được hỏi về việc Mỹ sắp cấm nhập khẩu bông Tân Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi lý do của Washington là "ngụy tạo và dối trá". Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh không có "lao động cưỡng bức" ở Tân Cương, rằng tất cả lao động đều tự nguyện và được trả lương đầy đủ.
BẢO DUY
https://tuoitre.vn/my-cam-toan-bo-bong-co-nguon-goc-tan-cuong-nguy-co-anh-huong-chuoi-det-may-20210114100412104.htm