(Tổ Quốc) - Đây là những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may Việt Nam.
Lợi nhuận của Trung Quốc sụt giảm
Theo báo cáo của Economics Times, do thị trường toàn cầu bị thu hẹp và nhu cầu sụt giảm liên tiếp, lợi nhuận của ngành dệt may của Trung Quốc đã bị suy thoái nghiêm trọng trong suốt thời kỳ đại dịch và sẽ tiếp tục chịu thiệt hại do giá nguyên liệu thô tăng.
Báo cáo tiết lộ rằng kể từ đầu năm 2020, ngành dệt may nước này đã phải hứng chịu những tổn thất lớn do ngành này không thể tăng giá sản phẩm do đại dịch. Hơn nữa, lượng đơn đặt hàng tại Trung Quốc đã thấp hơn 40% so với năm ngoái, báo cáo cho biết thêm.
Theo ước tính của Phòng Thương mại xuất nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc, quy mô đơn hàng dệt may của Trung Quốc ước tính đạt khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020, trong đó quy mô đơn hàng dệt may đạt khoảng 1 tỷ USD.
Hơn 90% doanh nghiệp Trung Quốc cho biết tiến độ đặt hàng hiện tại đã rút ngắn so với nửa cuối và quý 4 năm ngoái.
Theo dữ liệu xuất nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng của hàng dệt may và hàng dệt gia dụng của Trung Quốc cho thấy xu hướng chậm lại tương đối rõ ràng. Những người trong ngành tiết lộ rằng năm nay hầu hết các đơn đặt hàng của các nhà máy may mặc sẽ được hoàn thành vào tháng 9.
Do sự chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp, những thay đổi trong chuỗi cung ứng công nghiệp và tác động của thuế quan mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc, đã có một lượng lớn các đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trước khi bùng phát dịch COVID, tuy nhiên, hoạt động sản xuất cường độ cao chỉ kéo dài đến tháng 11.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, thị phần nhập khẩu bông dệt may từ Trung Quốc trong năm 2021 giảm từ 23,5% trong năm 2019 xuống 17,1% và thị phần nhập khẩu bông từ nước này giảm từ vị trí đầu tiên trong năm 2019 xuống vị trí thứ hai, nhường vị trí nhà cung cấp lớn cho Việt Nam.
Thị phần bông dệt may của Trung Quốc tại Mỹ giảm xuống còn 15,3%, đứng sau Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ.
Các nguyên nhân chính khiến thị trường ế ẩm là do thiếu nhu cầu vì thị trường tiêu thụ bị đóng băng do các công tác phòng chống dịch.
Chuyển hướng đặt hàng
Các đơn hàng dệt bông chủ yếu được chuyển sang Ấn Độ, và các đơn hàng quần áo chủ yếu được chuyển sang các nước như Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Campuchia. Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Hàng dệt may Trung Quốc gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp và 85% doanh nghiệp cho biết có nhận thức được về việc các đơn đặt hàng được rời sang các quốc gia khác.
Trong khi đó, theo Nikkei Asia, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 22 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 23% so với một năm trước đó.
Theo báo cáo, mặc dù hoạt động mua sắm một số nguyên liệu bị chậm lại do các đợt phong tỏa kéo dài ở Thượng Hải, Trung Quốc, nhưng xuất khẩu vẫn tăng nhờ sự thúc đẩy từ nhiều hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, bao gồm cả với Liên minh châu Âu.
Việt Nam là nước xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng kỷ lục, thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây.
Khi dịch COVID-19 dần bị đẩy lùi, nhu cầu đối với các mặt hàng quần áo ở Mỹ và Châu Âu -những thị trường xuất khẩu chính của các nhà sản xuất Việt Nam - tiếp tục tăng.
Xuất khẩu sợi chỉ được sử dụng để sản xuất quần áo cũng đang tăng lên và được dự báo sẽ đạt tổng trị giá 3 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, so với 5,6 tỷ USD vào năm 2021.
Giá nguyên liệu tăng hiện đang là vấn đề đau đầu đối với các nhà sản xuất dệt may Việt Nam, Theo dự đoán, các đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng trong quý 3 và 4 năm 2022 do một số vấn đề.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng của các nhà sản xuất muốn rời khỏi Trung Quốc. Việc sản xuất tại Việt Nam có thể tránh được sự gia tăng chi phí phát sinh từ mức thuế bổ sung của Mỹ đối với các mặt hàng quần áo xuất khẩu từ Trung Quốc.