Upcycling (tái thiết kế nguyên liệu có sẵn thành trang phục cao cấp hơn) đang trở thành một trong những xu hướng lớn nhất của ngành thời trang, bởi nó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã cho ra mắt những bộ sưu tập upcycle và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng.
Coach có bộ sưu tập Re(loved) gồm mẫu túi xách được sáng tạo từ những mảnh vải thừa; Maison Margiela giới thiệu chiếc váy được chắp vá từ những món đồ vintage; Schiaparelli đã biến chiếc quần jeans cũ thành chiếc áo bò được săn đón khắp Hollywood.
Không nằm ngoài xu hướng này, Electrolux và Rave Review đã cùng kết hợp để tạo nên một bộ sưu tập giới hạn từ những món đồ bị bỏ đi tại sa mạc Atacama, vốn được mệnh danh là "nghĩa địa thời trang." Bộ sưu tập này có gì đặc biệt? Và chúng ta, với tư cách người tiêu dùng, có thể làm gì để tủ quần áo trở nên bền vững hơn?
Chúng ta đang lãng phí quần áo như thế nào?
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu về thực trạng của ngành thời trang, vốn được coi là ngành công nghiệp ô nhiễm thứ 2 thế giới chỉ sau dầu mỏ. Sự bùng nổ của thời trang nhanh đã thay đổi hành vi mua sắm của mọi người, và dưới đây là những con số chứng minh điều đó:
- Theo McKinsey, so với 15 năm trước, chúng ta đang mua quần áo nhiều hơn đến 60%, và thường chỉ mặc trung bình 10 lần rồi bỏ.
- Ngày nay, xấp xỉ 90% quần áo bị bỏ đi trong tình trạng tốt, và chỉ 1% trong số này được tái chế, tái sử dụng.
- Khoảng 73% món đồ bị bỏ đi sẽ được chuyển đến những bãi chôn lấp (landfill). Sa mạc Atacama của Chile chính là một trong những nơi như vậy. Ước tính rằng mỗi năm lại có thêm 39.000 tấn quần áo được vứt bỏ tại sa mạc Atacama, những quần áo này phần lớn không phân huỷ được.
- Ở châu Âu, 70% quần áo bị vứt bỏ là do những hư tổn có thể tránh được như phai màu, những vết ố cứng đầu, bị co rút,...
- 25% chất thải thời trang đến từ việc chúng ta chăm sóc không đúng cách, như giặt thường xuyên, không chú ý đến nhãn mác, dùng nước tẩy rửa quá mạnh,... Nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ cần kéo dài vòng đời quần áo thêm 9 tháng, chúng ta cũng có thể giảm được thêm 20%-30% lượng chất thải thời trang.
Hành trình upcycle trang phục từ những mảnh đồ cũ tại sa mạc Atacama
Nguồn: ElectroluxChúng ta đang sống trong một xã hội “vứt bỏ" (throwaway society), bị chi phối bởi việc dùng và sản xuất những món đồ có tuổi thọ ngắn, thay vì tìm cách tái chế và kéo dài vòng đời sản phẩm. Sa mạc Atacama với những “núi quần áo" trùng điệp là minh chứng rõ rệt cho điều đó.
Được truyền cảm hứng mãnh liệt từ hình ảnh này, Electrolux đã kết hợp với Rave Review cho ra đời bộ sưu tập giới hạn đầu tiên được làm từ quần áo bị quên lãng tại sa mạc Atacama, nhằm thay đổi cách mọi người tư duy về quần áo. Bộ sưu tập bao gồm 11 thiết kế cho người lớn, trẻ em, và thậm chí cả… cún.
Nguồn: ElectroluxNguyên liệu cho bộ sưu tập là 10 thùng quần áo được lấy từ sa mạc Atacama với chất liệu chính là denim. Những bộ quần áo cũ sẽ được giặt kỹ lưỡng, cắt may thủ công, và thiết kế trực tiếp trên ma-nơ-canh.
Nhà thiết kế buộc phải sáng tạo trong khuôn khổ dựa trên những trang phục có sẵn. Sau đó, những sản phẩm hoàn thiện sẽ được nhuộm trong máy giặt với màu tím và xanh lá, cũng là hai tông màu chủ đạo của bộ sưu tập.
Nguồn: ElectroluxDù được làm hoàn toàn bằng quần áo cũ, thẩm mỹ của những thiết kế này lại rất cao cấp, cá tính. Điều đó cho thấy rằng những món đồ bị bỏ đi có tiềm năng trở thành những sản phẩm rất giá trị, với một chút công sức và sự sáng tạo.
Thông qua bộ sưu tập, nhà thiết kế mong muốn truyền cảm hứng để chúng ta chăm sóc quần áo cẩn thận hơn, từ đó kéo dài vòng đời sản phẩm, tốt hơn cho túi tiền, và tốt hơn cho môi trường.
Những cách bền vững để kéo dài vòng đời trang phục
Mang ra tiệm sửa quần áo
Đừng chỉ vì những lỗi nhỏ như sứt chỉ, đứt cúc,... mà bạn đã vội thay thế những món đồ còn tốt.
Tại Việt Nam, người thợ may có tay nghề rất cao và thường lấy mức phí phải chăng cho thủ thuật đơn giản như khâu vá, thêu thùa, chít eo, cắt gấu,... Chính vì thế, bạn nên cố gắng đi ra tiệm may để sửa chữa món đồ mình yêu thích, và nhận thêm lời khuyên của người trong nghề về việc chăm sóc quần áo đúng cách.
Nguồn: ElectroluxChăm sóc quần áo tốt hơn
- Giặt quần áo ít hơn:
Chỉ giặt quần jeans mỗi 6 tuần, sau 6-7 lần mặc.
- Giặt ở nhiệt độ thấp
Đối với một chiếc áo sơ mi thông thường, 80% lượng khí thải được tạo ra trong của vòng đời của nó là từ quá trình giặt và sấy khô, giặt ở nhiệt độ 30°C trở xuống giúp giảm lượng khí thải đó, đồng thời bảo vệ quần áo của bạn .
- Chỉ giặt khô khi bắt buộc
Giặt khô có chứa nhiều hoá chất có thể làm tổn hại đến vải, môi trường, và chính bản thân bạn. Nhưng 55% vẫn lựa chọn giặt khô với những trang phục hoàn toàn có thể giặt máy. Đây là thói quen cần thay đổi để bảo vệ quần áo tốt hơn.
Tự thử nghiệm
Bạn hoàn toàn có thể áp dụng những kỹ thuật dễ thực hiện đã được học trên ghế nhà trường như may vá, thêu thùa đơn giản để tự sửa quần áo, hoặc “nâng cấp" nó thành những sản phẩm thú vị hơn.
Bạn có thể bắt đầu từ một chiếc áo t-shirt cũ, thử upcycle thành chiếc croptop xinh xắn, hoặc thêu thêm họa tiết vui mắt, cá tính để có nhiều cảm hứng mặc hơn.
**********************************
Thông qua bộ sưu tập hợp tác với Rave Review, Electrolux mong muốn thay đổi tư duy của mọi người về quần áo, từ đó hành động để kéo dài gấp đôi vòng đời trang phục, giảm một nửa tác hại đến môi trường từ ngành thời trang vào năm 2030.
Electrolux có công nghệ, tư duy, kiến thức để giải quyết vấn đề bền vững. Mục tiêu của Electrolux là khuyến khích mọi người chăm sóc quần áo cẩn thận hơn, thay vì chỉ tập trung mua sắm những sản phẩm bền vững.
https://vietcetera.vn/vn/tu-nghia-dia-thoi-trang-atacama-quan-ao-cu-duoc-hoi-sinh-nhu-the-nao