Năm 2020, Việt Nam vượt qua Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu may mặc lớn thứ 2 thế giới, theo thống kê từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến hết quý I/2023, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải thu hẹp sản xuất và sa thải hàng nghìn lao động do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Pouyen, doanh nghiệp dệt may tuyển dụng nhiều lao động nhất Việt Nam, đã thông báo sa thải gần 6.000 lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 của ngành dệt may đã giảm tới gần 20% so với cùng kỳ. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) có nhận định rằng, khó khăn đến từ nhiều yếu tố, bao gồm: ảnh hưởng của chiến sự tại Ukraine, lạm phát toàn cầu, kèm theo ảnh hưởng của hậu Covid, khiến cho sức mua toàn cầu giảm.
Nhưng, những khó khăn toàn cầu mà VITAS nêu ra không ảnh hưởng quá lớn tới Bangladesh, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Từ giữa năm 2022 đến quý I/2023, không chỉ lấy lại vị trí thứ 2 thế giới từ Việt Nam, dệt may Bangladesh tăng trưởng rõ rệt, với kim ngạch xuất khẩu tăng 14% ở thị trường chính của họ là châu Âu và 35% ở các thị trường không truyền thống khác, theo Cục xúc tiến xuất khẩu (EPB) của Bộ Thương mại Bangladesh.
Ngành dệt may Việt Nam đã bị Bangladesh dành lại vị trí thứ 2 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng có những lý do đặc thù dẫn tới bức tranh tương phản giữa dệt may Bangladesh và Việt Nam từ năm 2022 đến nay. Trong đó, một lý do tôi muốn đề cập ở đây là không chỉ thống lĩnh phân khúc may mặc cơ bản với giá tại cửa khẩu (giá FOB) thấp hơn trung bình thế giới với lợi thế về nhân công giá rẻ, Bangladesh đã mở rộng cung ứng đến thị trường may mặc bền vững với giá trị gia tăng cao hơn.
Nhờ sớm đầu tư cho sản xuất xanh, dệt may nước Bangladesh đang đón đầu được xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.
Trong 2 khảo sát mới nhất năm 2021 và 2022 về xu hướng tiêu dùng tại Châu Âu, 33% người tiêu dùng Ba Lan và 38% người tiêu dùng ở Anh và Đức khi được hỏi cho rằng: "giảm tác động tới môi trường" là một trong 3 tiêu chí quan trọng nhất khi quyết định mua hàng may mặc, theo báo cáo từ Tạp chí thời trang Vogue và công ty Boston Consulting Group và nghiên cứu của công ty McKinsey & Co.
Ngay tại Hoa Kỳ, thị trường truyền thống của may mặc Việt Nam, 19% người tiêu dùng, phần lớn là người trẻ dưới 40 tuổi, sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm ít có tác động đến môi trường, trong một nghiên cứu của McKinsey & Co năm 2019. Các khảo sát này đều cho thấy, sản phẩm thân thiện với môi trường đang trở thành kỳ vọng thay vì ngoại lệ đối với người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ Gen Z (nhóm sinh từ 1997 đến 2012) và Millennial (nhóm sinh từ 1981 đến 1996).
Cuộc cách mạng "giảm phát thải các-bon" (decarbonize) cho dệt may của Bangladesh trong 10 năm qua đã xuất sắc bắt kịp xu hướng này của người tiêu dùng toàn cầu. Top 20 công ty xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh đều có nhà máy sản xuất đạt được chứng chỉ "Lãnh đạo trong Thiết kế Năng lượng và Môi trường" (LEED), do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) cấp.
Từ 2016 đến đầu 2023, Bangladesh sở hữu số lượng nhà máy xanh đạt chứng chỉ LEED tăng từ 36 lên 196. Các nhà máy xanh này có khả năng giảm 40% lượng nhiệt năng sử dụng và hơn 30% lượng nước tiêu thụ, góp phần giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính (KNK) trực tiếp từ quá trình sản xuất, theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA). Vì vậy, Bangladesh có thể dễ dàng đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường khắt khe của thị trường may mặc bền vững đang phát triển.
Xu hướng tiêu dùng xanh lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu khiến các rào cản chính sách như thuế quan càng ngày được nâng cao. Đầu 2023, hai chính sách môi trường liên quan đến phát thải KNK đã được EU thông qua trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu.
Thứ nhất là Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), theo đó EU sẽ đánh thuế lên các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này, dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Cùng với đó, Hướng dẫn Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) yêu cầu hơn 50.000 doanh nghiệp EU đã niêm yết sẽ phải thực hiện báo các tác động môi trường và trách nhiệm xã hội bắt đầu từ 2024.
Vì vậy, các doanh nghiệp này đều đã lên kế hoạch giảm phát thải KNK trên cả chuỗi cung ứng để không vượt ngạch phát thải cho phép. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp lớn xuất khẩu đến thị trường EU trong thời gian ngắn sắp tới.
Dựa trên bài học từ Bangladesh, xét đến những thay đổi nhanh chóng về hành vi tiêu dùng và chính sách môi trường từ thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung, tôi tin rằng dệt may Việt Nam cần gấp rút chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững.
Sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy ngành dệt may, nhưng nhìn từ xu hướng tiêu dùng xanh, chúng tôi đề xuất ba giải pháp sau để định hướng sản xuất xanh và tăng trưởng trở lại.
Hướng giải pháp đầu tiên nhắm tới cắt giảm phát thải KNK trực tiếp từ hoạt động sản xuất. Tiết kiệm năng lượng từ các thiết bị liên quan đến hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí, cùng với loại bỏ dần than đá tạo ra điện năng cho quy trình nhuộm vải, là các giải pháp dễ thực hiện và tiết kiệm được chi phí sản xuất.
Doanh nghiệp có thể bắt đầu áp dụng những giải pháp công nghệ mới trong quy trình sản xuất, ví dụ như nhuộm không nước, để giảm tiêu thụ năng lượng và góp phần giảm phát thải trực tiếp từ nhà máy. Tiết kiệm năng lượng còn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh thiếu điện cục bộ hiện nay.
Hướng giải pháp thứ hai là chuyển dịch sang sử dụng điện tái tạo để cắt giảm phát KNK gián tiếp liên quan đến việc mua điện. Tại Việt Nam, giải pháp này đã được áp dụng thành công bởi Hansoll Textile, công ty may mặc từ Hàn Quốc đang cung ứng cho các thương hiệu toàn cầu như Uniqlo, Gap, Target và Walmart và sở hữu chuỗi nhà máy đặt tại Việt Nam.
Hansoll đã sử dụng gần 20% lượng điện tiêu thụ hàng năm từ điện mặt trời áp mái tại 2 nhà máy ở miền Nam nước ta. Theo nghiên cứu từ Viện Tài Nguyên Thế Giới (WRI), Hansoll ước tính đã tiết kiệm được 3,75 tỷ đồng chi phí trong năm đầu tiên vận hành. Câu chuyện này là minh chứng rõ ràng cho thấy rằng tiềm năng chuyển dịch sang sử dụng điện tái tạo ở Việt Nam là rất lớn.
Giải pháp thứ ba, mang tính cấp thiết vì là tiền đề của hai nhóm giải pháp trên và tốn ít chi phí, là sớm thực hiện tính toán, đo lường phát thải KNK cấp cơ sở. Với mục tiêu tiếp cận được phân khúc may mặc bền vững để đa dạng thị trường xuất khẩu và gia tăng giá trị, các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng thực hiện kiểm kê KNK để phục vụ báo cáo bền vững và đưa ra chiến lược tối ưu giảm phát thải KNK. Có như vậy, chúng ta mới đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe hơn và tránh ảnh hưởng bởi rào cản chính sách, như thuế xuất khẩu các-bon từ EU.
Đầu tư cho sản xuất xanh, giảm phát thải, là cơ hội giúp dệt may nước ta bắt kịp xu thế tiêu dùng xanh, tăng trưởng bền vững hơn trước biến động kinh tế thế giới, và tiếp tục cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động trên cả nước.
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Lan hiện là Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Kinh tế Môi trường tại Đại học Dartmouth, Mỹ, và đồng thời là học giả thỉnh giảng tại ĐH Fulbright Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chính của chị là các vấn đề về quản lý tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, lộ trình phát triển carbon thấp. Ngoài công việc nghiên cứu, chị còn giữ vai trò Giám đốc Khoa học tư vấn về giải pháp phần mềm kiểm kê khí nhà kính tại công ty Nuoa.io.