"Vòng kim cô" cắt - may
Ba phương thức sản xuất chính của ngành dệt may với lợi nhuận theo thứ tự tăng dần gồm: gia công, đầu vào do bên mua cung cấp (CMT); nhà máy được chủ động mua nguyên liệu, sản xuất, rồi giao hàng (FOB); và doanh nghiệp gia công được tham gia cả vào khâu thiết kế (ODM).
Suốt 30 năm qua, công ty của ông Phương vẫn theo phương thức đầu tiên - luôn sử dụng nguyên vật liệu do đối tác đặt hàng chỉ định, bao gồm vải, keo, nút áo, nếu không sẽ bị từ chối nhận hàng. Theo nghiên cứu chuyên sâu về ngành dệt may Việt từng được Công ty Chứng khoán FPTS công bố, cách thức này chỉ mang lại tỷ lệ lợi nhuận bình quân 1-3% trong đơn giá gia công, thấp nhất toàn chuỗi giá trị.
Tình thế của công ty ông Phương không phải ngoại lệ. Khoảng 65% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam theo phương thức CMT. Số lượng đơn hàng FOB - phương thức mang lại lợi nhuận cao hơn - chiếm 30%; còn lại là ODM - khâu có lời nhất lại chỉ chiếm 5%.
"Có lần chúng tôi thấy quá vô lý, vải lót vì sao cứ phải nhập từ Trung Quốc trong khi Việt Nam cũng làm được với giá thấp hơn, nên quyết định mua hàng trong nước", quản lý Việt An kể về một lần làm "trái ý" đối tác khoảng 10 năm trước. Ông cho rằng họ chỉ định nguồn nguyên phụ liệu theo dạng gợi ý, nên vẫn có thể linh động nhà cung cấp, miễn là không giảm chất lượng sản phẩm.
Sự liều lĩnh này khiến Việt An lao đao. Nhãn hàng bắt bẻ đủ thứ, hàng bị trả về dù theo ông, vải lót không ảnh hưởng gì đến chất lượng sản phẩm. Sau lần đó, công ty tiếp tục phụ thuộc vào nguyên vật liệu do đối tác chỉ định.
Từ góc độ của đối tác nước ngoài, chị Hoàng Linh, quản lý nhà máy có 5 năm làm cho một tập đoàn thời trang Nhật Bản, lý giải những nhãn hàng toàn cầu gần như không bao giờ để doanh nghiệp sản xuất tự do lựa chọn nhà cung cấp đầu vào.
Ngoài hai tiêu chí bắt buộc là chất lượng và giá cả, nhãn hàng phải đảm bảo các công ty cung ứng nguyên vật liệu không vi phạm trách nhiệm xã hội, môi trường để tránh rủi ro. Ví dụ như Mỹ từng cấm nhập khẩu hàng may mặc sử dụng bông Tân Cương vào năm 2021, vì cho rằng điều kiện lao động ở đây không đảm bảo tiêu chuẩn.
"Nếu cho nhà máy quyền mua nguyên vật liệu, nhãn hàng cũng phải biết đối tác của họ là ai để thuê đơn vị kiểm toán độc lập đến đánh giá tổng thể. Quá trình đó phải mất ít nhất vài tháng, trong khi lịch sản xuất đã lên trước cả năm", chị Linh lý giải.
Nguyên liệu ngành dệt may Việt hiện vẫn phụ thuộc vào bên ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc. Ảnh bên trong kho vải của nhà máy Việt Thắng Jeans, tháng 11/2023. Ảnh: Thanh Tùng
Không thể thoát ra khỏi lối mòn cắt - may, công ty của ông Phương rơi vào cảnh khó càng thêm khó khi ngành dệt may khủng hoảng đơn hàng từ giữa năm ngoái. Nhà máy khát việc, nhãn hàng ép giá, lợi nhuận rơi xuống đáy.
"Công ty cần đơn hàng để duy trì việc làm cho cả nghìn công nhân, lỗ cũng phải làm", ông nói. Không còn cách nào khác, ông phải giảm đơn giá sản phẩm, nghĩa là công nhân làm việc nhiều hơn với thu nhập như cũ.
Lợi nhuận thấp, các công ty trong nước vốn chỉ quen may gia công như Việt An không đủ tích lũy dòng tiền cho những cú sốc thị trường, hay tái đầu tư để mở rộng.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn tăng trưởng đều đặn, nhưng giá trị đóng góp từ các doanh nghiệp trong nước không cải thiện đáng kể 10 năm qua. Hơn 60% giá trị xuất khẩu dệt may thuộc về FDI, dù doanh nghiệp ngoại chỉ chiếm số lượng 24%. Trong ngành da giày, FDI cũng nắm đến hơn 80% kim ngạch xuất khẩu.
Tỷ trọng đóng góp vào giá trị xuất khẩu hàng dệt may, giày dép của doanh nghiệp trong nước và FDI
Nguồn: Tổng cục Hải quan.
30 năm thất thế
"Doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà", bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia có gần 20 năm nghiên cứu về công nghiệp hỗ trợ, kết luận về thực trạng của ngành dệt may và da giày.
Bà Thuý cho rằng điều đáng buồn là Việt Nam từng có hệ thống chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh nhưng ngày nay lại lép vế. Trước đây, ngành dệt may xuất khẩu cả áo quần lẫn vải sản xuất trong nước. Nhưng công cuộc hội nhập kinh tế đã đưa ngành này đến một khúc quanh mới: đổ xô vào gia công, dựa trên lợi thế so sánh lớn nhất là giá nhân công.
Bà Thuý phân tích đó là lựa chọn đúng đắn vào thời điểm mở cửa thu hút FDI, bởi Việt Nam khi ấy tụt hậu về công nghệ nên đương nhiên không thể cạnh tranh về chất lượng sợi, vải so với Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng vấn đề là trạng thái thất thế về nguyên vật liệu kéo dài suốt 30 năm qua.
"Lúc đầu, chúng ta chấp nhận dùng vải nước ngoài, nhưng lẽ ra phải tiếp tục nuôi dưỡng ngành dệt, sợi trong nước, học hỏi công nghệ với mục tiêu bắt kịp họ", bà Thuý nói và cho rằng chính dệt may đã tự chặt đứt các mắt xích trong chuỗi cung ứng của mình.
Xuất khẩu dệt may, da giày tăng cùng xu hướng nhập khẩu vải, phụ liệu… cho thấy sự phụ thuộc nguyên liệu của ngành này
Theo chuyên gia Thuý, những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp chỉ thật sự lộ ra hậu quả khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. Muốn được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu, hàng may mặc "made in Việt Nam" phải đảm bảo nguyên liệu cũng xuất xứ trong nước. Doanh nghiệp chỉ may gia công nay nhận "bàn thua" vì phụ thuộc hoàn toàn vào vải nước ngoài.
"Người hưởng lợi từ các hiệp định cuối cùng lại là doanh nghiệp FDI vì họ có nguồn lực lớn, đầu tư đồng bộ hoàn thiện chuỗi sợi - dệt - may", bà Thuý phân tích. Trong giai đoạn 2015-2018, ngay trước khi EVFTA và CPTPP có hiệu lực, Việt Nam chính là nước đón FDI nhiều nhất từ nhà đầu tư dệt may Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc.
Theo chuyên gia, lỗi này không chỉ của nhà nước mà còn do doanh nghiệp.
Các nước công nghiệp tiên tiến thế giới đều bắt đầu bằng ngành dệt may, sau đó tìm cách đi lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Ví dụ, Đức vẫn duy trì hoạt động nghiên cứu các loại vật liệu, công nghệ dệt mới ứng dụng trong dệt may. Mỹ nhiều thập kỷ qua giữ vai trò là nước cung ứng bông, sợi cotton lớn nhất thế giới, Chính phủ duy trì trợ cấp cho nông dân trồng bông. Nhật suốt nhiều năm làm chủ các công nghệ vải như giữ nhiệt, làm mát, chống nhăn… ứng dụng trong thời trang cao cấp.
"Tất cả những gì mang đến giá trị cao nhất, cốt lõi, họ đều giữ lại cho đất nước mình”, chuyên gia Thúy đúc kết.
Công nhân ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn tập trung vào khâu gia công, chưa thể đi lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Ảnh: Thanh Tùng
Trong khi đó, Việt Nam trong suốt 35 năm thu hút FDI gần như lãng phí thời gian vàng. Năm 1995, khi Mỹ - Việt bình thường hóa quan hệ, cũng là thời điểm ngành dệt may bùng nổ. Tuy nhiên, ba thập kỷ qua ngành chỉ làm tốt gia công may, không đầu tư vào nghiên cứu phát triển, sản xuất vải…
"Chính sách đã không nhìn xa và doanh nghiệp quá tập trung vào cái lợi trước mắt", chuyên gia nói.
Ban đầu, dệt may Việt Nam vẫn đi theo xu hướng chuỗi, tức các doanh nghiệp đều có nhà máy dệt, sản xuất sợi, may. Tuy nhiên, khi đơn hàng xuất khẩu quá lớn, khách hàng chỉ muốn đặt gia công may thì doanh nghiệp Việt bỏ luôn các công đoạn khác. Chỉ còn một số ít tập đoàn nhà nước được đầu tư đồng bộ từ hàng chục năm trước như Thành Công, các công ty thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là còn làm chủ chuỗi cung ứng.
Tình trạng này dẫn đến cán cân lệch pha hiện nay: tổng số doanh nghiệp kéo sợi, dệt, nhuộm vải, và các ngành phụ trợ liên quan cộng lại mới bằng hơn nửa lượng công ty may, theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).
"Đầu cá" của nền công nghiệp
"Nếu các ngành công nghiệp của TP HCM được xem như một con cá, thì ngành dệt may bị xem như cái đầu, có thể bị cắt bỏ bất kỳ lúc nào", ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức), than thở.
Các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày đang đứng trước áp lực phải dịch chuyển hoặc đổi mới, theo Đề án phát triển các khu chế xuất và công nghiệp giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến 2050 mà TP HCM đang hoàn thiện. Định hướng trong tương lai của thành phố là tập trung phát triển theo hướng khu công nghiệp sinh thái, công nghệ cao.
"Giờ đi đâu cũng chỉ nghe công nghệ cao, chúng tôi rất mặc cảm, cảm giác bị miệt thị vì gắn mác thâm dụng lao động, gây ô nhiễm", ông nói.
Để dần chuyển đổi, Việt Thắng Jean đã tiến hành tự động hóa máy móc, ứng dụng công nghệ trong các khâu wash laser, tẩy, phun… giúp giảm nước, hóa chất đến 85%. Tuy nhiên, doanh nghiệp gần như "tự bơi" trong quá trình này.
Theo ông Việt, muốn vay vốn đầu tư, công ty phải thế chấp tài sản. Thường ngân hàng định giá 70-80% giá trị thực, sau đó cho vay 50-60%, trong khi đầu tư công nghệ, máy móc rất tốn kém.
"Chỉ ông chủ nào có tâm với ngành mới dám đầu tư", ông Việt nói.
Hơn ba thập kỷ gắn bó với nghề, CEO Việt Thắng Jean cho rằng muốn ngành này đi lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, trách nhiệm không chỉ thuộc về doanh nghiệp, mà phải từ chính sách. Ví dụ, thành phố cần đầu tư trung tâm thời trang để đào tạo con người, nghiên cứu sợi vải, làm chủ nguồn phụ liệu, giới thiệu sản phẩm… Các hiệp hội và doanh nghiệp sẽ cùng tham gia.
Còn khi không thể chuyển đổi, doanh nghiệp phải lựa chọn rời bỏ thành phố hoặc thu hẹp quy mô. Phương án nào, công nhân cũng là người chịu thiệt sau cùng.
Công nhân cắt may tại nhà máy của Việt Thắng Jeans, tháng 11/2023. Ảnh: Thanh Tùng
Chính sách trên văn bản không hề bỏ quên những doanh nghiệp trong ngành truyền thống. Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra yêu cầu tiếp tục phát triển ngành dệt may, da giày, nhưng ưu tiên tập trung vào khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá.
Tuy nhiên thực tế, doanh nghiệp trong nước sẵn sàng đầu tư sản xuất vải vẫn gặp rào cản, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trần Như Tùng.
"Nhiều địa phương cứ nghĩ dệt nhuộm là ô nhiễm nên không cấp phép, dù thực tế các công nghệ tiên tiến đều có thể xử lý an toàn", ông Tùng cho hay.
Phó chủ tịch VITAS nhấn mạnh sản xuất xanh hiện là yêu cầu bắt buộc trên thế giới, nên nếu muốn bán được hàng, tự thân doanh nghiệp phải ý thức về phát triển bền vững. Thế nhưng, nếu nhiều địa phương vẫn định kiến thì chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục bị khuyết.
Trong khi chưa thể làm chủ vật liệu đầu vào, lợi thế lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua là giá nhân công ngày càng thất thế so với các nước đi sau như Bangladesh, Campuchia.
So sánh dệt may Việt Nam với một số nước
Nền kinh tế không thể chỉ "bắt trend"
Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang đặt nhiều kỳ vọng vào ngành công nghiệp "thế hệ mới" như bán dẫn, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life).
"Điều này không có gì sai bởi đây là xu hướng của thế giới, nhưng với điều kiện hiện tại thì cần xem xét kỹ. Nó có thể là con dao hai lưỡi. Nền kinh tế không thể chỉ bắt trend", ông nói.
Ví dụ, ngành công nghiệp bán dẫn dự kiến cần 50.000 nhân lực, nhưng dự báo trong nước chỉ đáp ứng 20%. Sẽ có hai tình huống: nhà đầu tư đến nhưng Việt Nam không có nguồn lao động, họ buộc phải mang nhân lực từ nước ngoài sang; hoặc họ sẽ bỏ, không đầu tư.
"Cách nào thì chúng ta cũng thiệt. Nếu họ đầu tư và mang cả người sang thì Việt Nam chỉ bày mâm cho người khác dùng. Còn nếu doanh nghiệp bỏ thì kế hoạch của chúng ta lỡ dở", ông Lộc nói.
Trong bối cảnh này, ông cho rằng không nên chỉ tập trung "bắt trend" ngành bán dẫn hoặc công nghệ cao, mà bỏ quên những ngành truyền thống vốn đem lại giá trị xuất khẩu cho Việt Nam. Đơn cử như dệt may mỗi năm mang về hàng tỷ USD. Với ba thập kỷ phát triển, các doanh nghiệp ít nhất có kinh nghiệm, việc bây giờ là giúp họ đi lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.
"Hãy giữ cho đoàn tàu chạy theo nguyên tắc 30-30-30-10", ông Lộc kiến nghị. Trong đó, giữ 30% ngành truyền thống, 30% là ngành phải chuyển dịch, 30% đầu tư vào những ngành "đang trend", và 10% cho nhóm ngành đột phá.
Chuyên gia ví cách làm này như đàn chim bảo vệ nhau. Bay đầu đàn là những ngành công nghiệp thế hệ mới, còn ngành truyền thống thuộc nhóm già yếu sẽ bay sau cùng, tạo thành hình mũi tên tiến về phía trước. Phương pháp này không chỉ giúp cả đàn bay nhanh hơn, mà cốt lõi là bảo vệ được nhóm lao động đang làm việc trong những ngành truyền thống, tránh tạo thêm một thế hệ dở dang, trở thành gánh nặng cho "lưới" an sinh.
Ngành may mặc hiện tạo việc làm cho hơn 2,6 triệu lao động - nhiều nhất trong các ngành công nghiệp. Ảnh công nhân tại công ty may mặc ở quận Bình Tân giờ tan ca. Ảnh: Quỳnh Trần
Cùng với nâng đỡ các ngành công nghiệp truyền thống, nhà nước cũng phải nhận lấy trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ thế hệ công nhân dở dang do quá trình dịch chuyển này. PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất Việt Nam học tập cách ứng xử của Hàn Quốc là thành lập Quỹ Lao động để hỗ trợ đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tài chính… cho người lao động.
Chuyên gia Nguyễn Thị Xuân Thuý cho rằng cần thẳng thắn thừa nhận khả năng cạnh tranh bằng giá nhân công của Việt Nam sẽ sớm biến mất. Nhà hoạch định chính sách vì thế cần chuẩn bị cho hai nhiệm vụ trong tương lai gần: hỗ trợ nhóm lao động giản đơn chuyển đổi sang các ngành công nghiệp khác, và định vị lại chỗ đứng trong chuỗi giá trị.
Ở vế đầu tiên, bà dẫn cách làm của Singapore, ngay ở các khu công nghiệp, chính phủ lập trung tâm tư vấn, hướng nghiệp, đóng vai trò thúc đẩy công nhân có suy nghĩ chuyển đổi. Các trung tâm ghi nhận tâm tư, mong muốn của lao động rồi tư vấn, đưa ra phương án để công nhân lựa chọn. Tùy vào nhu cầu, chính phủ sẽ mở khóa đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí để công nhân tự đi học ngành nghề mới.
Còn với nhiệm vụ thứ hai, chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội khi dòng tiền FDI đang đổ về nhờ ba lợi thế: quy mô thị trường lớn - 100 triệu dân, địa chính trị thuận lợi; dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc; và xu hướng xanh hóa của Liên minh châu Âu (EU) khiến doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng.
"Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều thời gian. Nhưng nếu định hướng đúng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể bắt nhịp cùng các tập đoàn FDI", bà Thuý nói.
Nội dung: Lê Tuyết - Việt Đức
Dữ liệu: Việt Đức
Đồ họa: Hoàng Khánh - Thanh Hạ
https://vnexpress.net/doanh-nghiep-noi-that-the-tren-san-nha-4677729.html