Gần 8 thập kỷ, người lao động vẫn làm 48 giờ/tuần
Tại Đại hội XIII Công đoàn VN diễn ra mới đây, một trong những kiến nghị được Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN nêu ra được dư luận xã hội rất quan tâm, đó là kiến nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu sớm giảm giờ làm việc cho người lao động (NLĐ) thấp hơn 48 giờ/tuần.
Tổng LĐLĐ VN đề xuất giảm giờ làm việc cho lao động khu vực tư nhân xuống dưới 48 giờ/tuần
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho hay Nghị quyết kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số 101/2019/QH14) cũng đã nêu rõ giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển KT-XH nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với NLĐ thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của NLĐ khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần).
Lý giải thêm, ông Hiểu chia sẻ việc giảm giờ làm giải quyết rất nhiều vấn đề. Vấn đề thứ nhất là tái sản xuất sức lao động, làm cho NLĐ khỏe hơn, nhiều năng lượng hơn. Thứ hai, cũng là cách giúp NLĐ bảo vệ sức khỏe. Thực trạng công nhân ốm, mắc bệnh hiểm nghèo đang diễn ra. Với NLĐ, cần tính sức khỏe lâu dài cho họ; nếu không, khi về hưu thì sẽ là một gánh nặng an sinh xã hội và cũng thiệt thòi cho chính bản thân NLĐ. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng tuổi thọ và là điều rất quan trọng đối với những công nhân đã xây dựng gia đình, có con cái.
"Việc giảm giờ làm tạo điều kiện để NLĐ nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, bảo đảm hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, việc giảm giờ làm giúp NLĐ duy trì sức khỏe tốt hơn để khi về hưu, họ vẫn đảm bảo sống khỏe, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội", ông Hiểu bày tỏ.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ VN dẫn chứng thêm tại Trung Quốc, khi thu nhập trung bình của người dân đạt 2.500 USD/năm thì nước này đã giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần; trong khi hiện nay mức thu nhập trung bình của VN đã cao hơn mức 2.500 USD/năm nhưng vẫn chưa giảm giờ làm.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra cuối tháng 10.2023, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa là người đưa ra đề xuất cần phải giảm giờ làm việc cho NLĐ khối khu vực tư nhân từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công.
Ông Nghĩa cho hay sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1947 quy định: "Thời hạn làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bà không quá 48 giờ mỗi tuần lễ". Sắc lệnh này cũng quy định thời gian làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ. Sau gần 80 năm độc lập và qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện KT-XH, thế và lực của VN được nâng lên tầm cao mới, nhưng thời giờ làm việc của NLĐ khu vực tư không giảm, giờ làm thêm tăng lên gấp 3. Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường với lao động khu vực tư như khu vực công, vốn đã được thực hiện từ năm 1999 (40 giờ/tuần).
Theo ông Nghĩa, ở VN, quy định giờ làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm. Như vậy, tính tổng thời gian làm việc thực tế và thời giờ làm thêm của NLĐ tương đối cao so với mặt bằng chung của các nước.
"Không có lý do gì khi đất nước phát triển mà NLĐ phải làm việc số giờ cao. NLĐ cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Người lao động nửa mừng, nửa lo
Mặc dù bộ luật Lao động khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện làm việc 40 giờ/tuần đối với NLĐ, song hầu như rất ít đơn vị thực hiện.
Công nhân KCN Tân Bình, TP.HCM giờ tan ca
Chị Lê Thị Hồng, công nhân một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Hải Dương, chia sẻ: "Cách đây 2 năm, công đoàn và công nhân cũng đã đấu tranh, chủ DN cho NLĐ được nghỉ 1 ngày thứ bảy/tháng. Tuy nhiên, do bộ luật Lao động chỉ khuyến khích DN giảm giờ làm, nên quy định nghỉ ngày thứ bảy chưa được đưa vào nội quy hay thỏa ước lao động tập thể của công ty, khi có đơn hàng chúng tôi vẫn phải làm việc ngày thứ bảy như bình thường. Tôi mong muốn quy định này sớm được luật hóa, được nghỉ thêm ai cũng vui, cuối tuần không phải dậy sớm, có thời gian đi chơi cùng bạn bè…".
Chị Nguyễn Thị Thuận, công nhân một DN may tại Q.Long Biên (Hà Nội), nêu quan điểm: "NLĐ tại cơ quan nhà nước được nghỉ làm việc ngày thứ bảy, trong khi tại các DN, phần lớn đều phải đi làm ngày thứ bảy, điều này chưa công bằng. Chúng tôi mong muốn nếu có thể, trước mắt giảm giờ làm việc cho công nhân xuống 44 giờ/tuần".
Theo ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai), nếu chỉ khuyến khích thì không có chủ DN nào muốn áp dụng. "Tại DN chúng tôi, NLĐ vẫn làm việc 48 giờ/tuần. Chúng tôi chỉ muốn sự công bằng trong xã hội, tại sao khu vực hành chính sự nghiệp chỉ áp dụng 40 giờ/tuần, còn công nhân lao động trực tiếp phải làm 48 giờ/tuần? Bộ luật Lao động vẫn chia làm 2 giờ làm việc ở 2 khu vực, như vậy là chưa có sự thống nhất", ông Tú bày tỏ.
Vị chủ tịch công đoàn này thắc mắc các nước lân cận đã triển khai làm việc 40 giờ/tuần, tại sao chúng ta lại không làm được việc đó để giúp cho NLĐ tái tạo sức lao động? Điều này vừa mang lại quyền lợi chính đáng cho NLĐ, cũng vừa để kích cầu trong thời gian họ nghỉ chăm lo gia đình, đi du lịch, vui chơi giải trí…
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN thiếu đơn hàng, không ít NLĐ lo lắng nếu giảm giờ làm sẽ bị giảm thu nhập. "Hiện tại, thu nhập của công nhân đã bị giảm từ 10 triệu đồng xuống còn 7 triệu đồng/tháng do công ty thiếu đơn hàng, không tăng ca. Hai vợ chồng còn phải bán hàng online mới đủ tiền thuê nhà, trang trải chi phí học hành cho các con. Chúng tôi muốn có thêm nhiều việc để làm, nếu giảm giờ làm nữa, liệu lương chúng tôi có đủ sống?", anh Nguyễn Văn Bình, công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long (Hà Nội), băn khoăn.
Doanh nghiệp nói chưa nên
Đồng tình với việc cần phải tiến tới giảm giờ làm việc cho NLĐ, song ông Nguyễn Văn Tân, Quản lý sản xuất, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, KCN Quang Châu (Bắc Giang), cho rằng ở thời điểm hiện tại chỉ nên định hướng, còn thực hiện thì chưa nên. "Trong 3 - 5 năm nữa chúng ta đưa vấn đề giảm giờ làm vào hoạch định tầm nhìn cho những năm tiếp. Hiện tại VN vẫn cần thu hút DN FDI, VN có dân số trẻ, thiếu việc làm nhiều nên tận dụng nguồn đầu vào lao động còn dư thừa. Nay mai, khi tự động hóa tăng, hiệu suất lao động làm việc tăng lên thì hãy tính, còn hiệu suất thấp mà giảm giờ làm thì cũng không hợp lý cho lắm", ông Tân nêu ý kiến.
*******************************************************
Thu nhập của NLĐ hiện nay còn thấp, giờ chúng ta muốn giảm giờ làm thấp hơn thì chưa nên. Ai chẳng muốn nghỉ ngơi, ai chẳng muốn chơi, nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế, xem xét các khía cạnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Hưng Yên
*******************************************************
NLĐ tại cơ quan nhà nước được nghỉ làm việc ngày thứ bảy, trong khi tại các DN, phần lớn đều phải đi làm ngày thứ bảy, điều này chưa công bằng. Chúng tôi mong muốn nếu có thể, trước mắt giảm giờ làm việc cho công nhân xuống 44 giờ/tuần.
Chị Nguyễn Thị Thuận, công nhân một DN may tại Q.Long Biên (Hà Nội)
*******************************************************
Ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, đánh giá việc công đoàn đưa ra các chính sách bảo vệ quyền lợi cho NLĐ như tăng lương, giảm giờ làm, tăng chế độ phúc lợi... là sự quan tâm cần thiết. Giảm giờ làm là yêu cầu cần thiết để hướng tới cuộc sống ngày càng tốt hơn của NLĐ. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, với sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh, dịch bệnh, kinh tế thế giới và khu vực chưa khởi sắc, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp tăng… thì chưa nên đề xuất giảm giờ làm.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, DN FDI nhìn nhận thị trường đầu tư của VN đang hấp dẫn, trong đó có yếu tố lao động với giá cả cạnh tranh. "DN phải tính toán rất nhiều khoản chi phí đầu tư sản xuất, đóng thuế, tái đầu tư, lãi suất…; chất lượng lao động chưa tốt, năng suất lao động chưa cao, chi phí DN bỏ ra quá nhiều sẽ không hiệu quả. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ đặt ngược lại câu hỏi năng suất chưa cao sao lại muốn giảm giờ làm, như vậy cũng khó thu hút vốn FDI. Đến năm 2030, khi VN trở thành nước phát triển và có thu nhập cao thì vấn đề này đặt ra là phù hợp", ông Dũng nói.
Thẳng thắn nhìn nhận đối với DN, đề xuất giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay là chưa hợp lý, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Hưng Yên, chia sẻ: "Năng suất lao động và mức sống của VN chưa bằng một số nước xung quanh. Thu nhập của NLĐ hiện nay còn thấp, giờ chúng ta muốn giảm giờ làm thấp hơn thì chưa nên. Ai chẳng muốn nghỉ ngơi, ai chẳng muốn chơi, nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế, xem xét các khía cạnh".
Theo ông Dương, hiện nay DN dệt may rất vất vả, năng suất lao động thấp, giá đơn hàng giảm từ 30 - 40% so với các năm trước, DN buộc phải chấp nhận giảm giá để có việc làm cho NLĐ, bởi "thà rau cháo nuôi nhau còn hơn nhịn đói". Nếu bây giờ tính đến việc giảm giờ làm nữa thì làm sao NLĐ đủ sống.
Bên cạnh đó, theo ông Dương, trong bối cảnh một số DN rút khỏi VN, NLĐ đang thiếu việc, đời sống thấp…; đặt vấn đề này ra là chưa phù hợp. "Những lao động đang cần việc, cần thu nhập để nuôi con cái, nuôi sống gia đình thì không ai muốn giảm giờ làm. Chúng ta cần phải tạo việc làm để thu hút DN nước ngoài đầu tư vào VN. Thu nhập GDP bình quân đầu người của VN hiện nay khoảng 4.000 USD/năm, khi nào VN là nước có thu nhập đạt trung bình cao 12.000 USD/người/năm trở lên thì tính chuyện giảm giờ làm", ông Dương nêu quan điểm.
*************************************************************
Ngày làm việc 8 giờ, tuần làm việc 48 giờ là thành quả đấu tranh của NLĐ trên khắp thế giới. Từ ngày 1.5.1886, "không một người thợ nào làm việc quá 8 giờ/ngày. Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi".
Năm 1935, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ, năm 1962 lại còn có Khuyến nghị 116 về giảm thời giờ làm việc. Đến nay, nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm xuống 7 giờ/ngày, hoặc áp dụng tuần làm việc 36 - 40 - 44/tuần, như Trung Quốc 40 giờ/tuần, Nhật Bản 40 giờ/tuần, Singapore 44 giờ/tuần, Mông Cổ 40 giờ/tuần...
Tại VN, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188 về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ ở khu vực công. Đến nay, sau 24 năm, quy định thời giờ làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện ở khu vực công.
************************************************************
https://thanhnien.vn/co-nen-giam-gio-lam-xuong-duoi-48-gio-tuan-185231224000846892.htm