Năm 2023 là năm sự ảm đạm bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế, và ngành dệt may cũng không ngoại lệ.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì sang đến năm 2023, ngành dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc…
Phát biểu trong Lễ phát động thi đua năm 2024 và Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm May 10, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, năm 2023 có thể nói là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may nếu không tính năm 2020 thế giới đóng cửa vì dịch bệnh.
Kim ngạch giảm 10% toàn ngành, trong đó đơn giá sản xuất giảm 30%, thậm chí có mã hàng tới 50%, điều này cũng đã phần nào nói lên những khó khăn của người điều hành, người lao động để có thể duy trì được hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong quý III/2023, một gam màu xám ảm đạm đang bao trùm lên toàn ngành dệt may của Việt Nam. Điều này được phản ánh rõ thông qua các con số đáng quên trong những bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, với Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ, doanh thu thuần trong quý III/2023 rơi vào khoảng 1.270 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, công ty lãi ròng 59 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng có kết quả doanh thu và lợi nhuận không mấy khả quan.
Cụ thể, 919,3 tỷ đồng là toàn bộ doanh thu thuần mà công ty có được trong quý III/2023, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng của doanh nghiệp cũng chỉ vỏn vẹn 54 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.
Một cái tên khác trong ngành dệt may là CTCP Sợi Thế Kỷ cũng đang lao đao không kém. Trong đó, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty lần lượt chỉ là 378 tỷ đồng và 17 tỷ đồng, giảm 27% và 67% so với cùng kỳ năm 2022.
Thậm chí, một “ông lớn” ngành dệt may tại miền Trung là CTCP Dệt may Huế còn chứng kiến lãi ròng trong quý III/2023 “bốc hơi” tới 70% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này chỉ ở mức 15,8 tỷ đồng. Trong khi vào cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới 52,9 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, theo đánh giá mới nhất của BSC Equity Research, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (MCK: TNG) hiện có triển vọng hồi phục tốt hơn các doanh nghiệp cùng ngành khi thị trường dệt may dần bước vào pha phục hồi trong giai đoạn 2024 - 2025 nhờ doanh nghiệp này đã duy trì được quy mô doanh thu trong giai đoạn khó khăn nhất. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp khác phải ghi nhận doanh thu giảm từ 20% - 50%.
Báo cáo tình hình doanh thu tháng 12/2023 của TNG ghi nhận, kết thúc năm 2023, doanh thu tại TNG ước đạt 7.085 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 4% kế hoạch năm bất chấp các khó khăn chung của toàn ngành.
Thực tế, dệt may TNG đã thông báo hoàn thành kế hoạch doanh thu 2023 trước thời hạn 16 ngày. Ngoài ra, nhiều đơn vị của TNG như chi nhánh May Việt Đức, chi nhánh May Việt Thái, 4 chi nhánh May Phú Bình cũng sớm hoàn thành kế hoạch doanh thu của năm.
Trong khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động để tiết kiệm chi phí, TNG vẫn duy trì việc làm và thu nhập ổn định 9,4 triệu đồng/người/tháng cho 18.000 lao động.
Theo nhận định từ các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam hiện đã qua giai đoạn xấu nhất nhưng bước sang năm 2024, vẫn tiếp tục đối mặt với một số thách thức, gồm: đơn hàng xuất khẩu vẫn ở mức yếu, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào vẫn cao, rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao, rủi ro tỷ giá giảm, xu hướng xanh hoá diễn ra nhanh,…
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam năm nay đạt khoảng 40,3 tỷ USD và hiện đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng 9,2%, lên mức 44 tỷ USD.