Đơn hàng tăng 10 - 15%
Hôm nay (ngày 3.2, tức 24 tháng chạp), Công ty TNHH may mặc Dony chính thức dọn dẹp văn phòng, nhà xưởng để nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn và quay lại làm việc từ ngày mùng 10 tết (ngày 19.2). Ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Công ty Dony, không giấu được niềm vui khi cho biết vừa có năm bội thu ngoài mong đợi của doanh nghiệp (DN). Trong tháng cuối năm âm lịch, nhiều DN ngành dệt may cho công nhân nghỉ tết từ giữa tháng chạp, trong khi công ty Dony lại phải tăng ca và làm đến cận tết mới xong đơn hàng kịp xuất đi ngay ngày mở đầu năm mới, mùng 6 tết.
Đơn hàng dệt may tăng nhẹ ngay tháng đầu năm
Ông Nguyễn Quang Anh cho biết: "Chính xung đột tại vùng biển Đỏ lại mở ra cho công ty một hướng đi mới, tìm được khách hàng mới, tăng lượng đơn hàng tại thị trường mới mạnh mẽ hơn. Sau khi nhiều đơn hàng xuất đi châu Âu và châu Phi bị ảnh hưởng do các hãng tàu phải đi đường vòng, tăng chi phí… chúng tôi quyết định đẩy mạnh tiếp thị sang các thị trường châu Á, gần đây nhất là thị trường Campuchia. Điều không ngờ là chính các thị trường châu Á đang "cứu" kim ngạch xuất khẩu của công ty. Nhờ vậy, năm 2023, doanh số của công ty tăng đến 21%. Năm 2024, doanh thu của công ty dự tính tăng 15%. Mọi việc cho đến lúc này nói chung khá hanh thông và đơn hàng có thể làm từ nay đến tháng 4".
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, trong tháng đầu năm, lượng đơn hàng xuất khẩu ngành dệt may tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đã xuất hiện tín hiệu khả quan cho nhiều ngành hàng chủ lực, từ dệt may,
da giày, điện tử, đồ gỗ… Tuy nhiên, đơn hàng "dài hơi" mang tính bền vững vẫn chưa có. Các DN may mặc lớn phản ánh đơn hàng chỉ mới ký hết tháng 3, trong khi trước đây, kế hoạch làm hàng có thể đã kéo gần hết quý 2. "Đa số đối tác ký hợp đồng với DN chỉ theo tháng, nhưng nếu so với những thời điểm ảm đạm "bói" mãi không có một đơn hàng, buộc phải cho công nhân nghỉ việc bớt hoặc làm việc theo ngày chẵn, ngày lẻ… thì tình hình sản xuất xuất khẩu trong tháng đầu năm thấy tốt hơn nhiều", ông Hồng nói.
DN gia công giày xuất khẩu đang tận dụng các đơn hàng nhỏ để chờ đợi phục hồi
Với ngành gỗ xuất khẩu, từ quý 4/2023, đơn hàng của nhiều DN tăng mạnh. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm Việt, nhận xét đơn hàng từ quý 4 tăng nhưng chủ yếu bù cho việc giảm tồn kho xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu và phục vụ dịp lễ Noel, Tết Dương lịch. Đơn hàng mang tính bền vững lâu dài vẫn còn ít. Tuy vậy, đà giảm của đơn hàng thu hẹp lại, đặc biệt tăng trưởng tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Điều này cho thấy tín hiệu tốt cho sự phục hồi nhẹ.
Trao đổi với Thanh Niên, một số DN sản xuất gia công giày xuất khẩu cho hay lượng đơn hàng từ các thị trường lớn chưa phục hồi đáng kể, song các thị trường nhỏ hơn như Trung Đông, hay một số khu vực khác tại châu Á… tăng, nên có thể bù phần nào việc thiếu đơn hàng từ các thị trường truyền thống. Trong tháng đầu năm, Công ty Giày Viễn Thịnh vẫn đang cố gắng xoay xở đơn hàng mới nhỏ. Với việc đầu tư mạnh về công nghệ sản xuất, DN này kỳ vọng phục hồi nhẹ trong năm nay.
Khởi đầu khích lệ
Báo cáo của S&P Global thông tin chỉ số PMI ngành sản xuất VN đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12.2023. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng dù mức cải thiện lần này chỉ là nhỏ. Đặc biệt, báo cáo cho thấy các điều kiện kinh doanh nói chung được cải thiện nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Theo đó, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là những yếu tố đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới cũng như số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây.
Bên cạnh đó, theo S&P Global, với mức tăng nhẹ của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, các công ty đã duy trì số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng gần như không thay đổi vào tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, hàng tồn kho sau sản xuất đã ghi nhận giảm trong tháng đầu năm. Mức giảm lượng hàng tồn kho trước sản xuất là lớn và là mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái. S&P Global cho hay, các nhà sản xuất nhìn chung vẫn có tâm lý lạc quan khi hy vọng nhu cầu và số lượng khách hàng sẽ cải thiện, và nhờ các kế hoạch tung ra những sản phẩm mới.
Đánh giá về ngành sản xuất của VN trong tháng đầu năm 2024, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: "Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của VN khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực". Tuy vậy, chuyên gia này cũng lưu ý mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và chưa đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng.
Dù lượng đơn hàng tăng nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản ở phía trước. Ông Nguyễn Quang Anh thừa nhận giá cả hàng dệt may xuất khẩu của VN luôn bị các nước như Ấn Độ, Bangladesh cạnh tranh dữ dội. Đơn hàng rơi vào tay các DN Bangladesh hay Ấn Độ, thường liên quan đến giá cả. "Cho dù có nhiều đơn hàng công ty cố gắng hết sức để giảm vẫn thua họ. Nên sắp tới tôi qua 2 nước này để tìm hiểu họ làm thế nào để có hướng cạnh tranh tốt trong tương lai", ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận xét: "Nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới thay đổi nhiều, nếu tập trung chọn phân khúc là hàng thiết kế, hàng có phong cách riêng, có đầu tư mạnh về mẫu mã thì vẫn có đơn hàng tốt. Nếu chọn phân khúc đại trà, rất khó có khách hàng mới".
Đặc biệt, Hiệp hội gỗ và lâm sản cũng lưu ý các quy định mới về chống phá rừng trong ngành gỗ tại thị trường EU sẽ là thách thức cho ngành xuất khẩu gỗ. Trong đó quy định về xác định vị trí địa lý lô đất sản xuất, phương tiện giao thông đường bộ, giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng… đều không dễ dàng. Trong đó, các nhà nhập khẩu phía Đức đã yêu cầu nhà xuất khẩu VN cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải…
Hiệp hội gỗ và lâm sản cho rằng luật Nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng của DN có thể tác động gián tiếp đến các nhà xuất khẩu gỗ VN. Bên cạnh đó, thị trường lớn như Mỹ đang gia tăng tần suất các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ; quy định về lao động và sử dụng lao động; Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu các sản phẩm gỗ của VN khi xuất khẩu sang thị trường này có chứng chỉ bền vững… Từ đó, các DN ngành gỗ cho rằng ngành xuất khẩu gỗ và đồ gỗ có thể phục hồi, song đối diện không ít thách thức lớn về các tiêu chuẩn mới, hướng đến mục tiêu xanh của nhiều thị trường.
********************************************
Với ngành dệt may, các DN lớn trong ngành đang triển khai các bước để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường về sản xuất xanh, còn DN nhỏ vẫn gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn. Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) nhấn mạnh những yêu cầu từ thị trường EU trong việc cấm tiêu hủy hàng dệt may tác động lớn tới các DN VN nhưng không còn lựa chọn nào khác, DN phải đầu tư nghiên cứu công nghệ, nhập khẩu thiết bị, công nghệ để sản xuất các sản phẩm tái chế từ quần áo. Rõ ràng đây là thách thức không nhỏ cho DN, đặc biệt DN sản xuất vừa và nhỏ.
https://thanhnien.vn/don-hang-da-tro-lai-185240202225128584.htm