Nửa đầu năm khởi sắc
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng qua tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó điểm sáng xuất khẩu dệt may ở Việt Nam là tại thị trường Mỹ. Khi vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Theo đó xuất khẩu dệt may của Việt Nam 5 tháng đã đạt gần 16 tỷ USD.
Theo chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS), thời điểm hiện nay đa phần các doanh nghiệp dệt may đã đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho những giai đoạn tiếp theo. Đối với ngành sợi nửa đầu năm nay có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Số lỗ đã giảm rất sâu khoảng 70 – 80%.
Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, VITAS đặt mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2023).
Triển vọng sáng của ngành dệt may
Chuyên gia phân tích của VPS đánh giá, hiện ngành dệt may đang được trợ lực bởi nhiều yếu tố trong nước cũng như quốc tế, kết hợp với những điều kiện thuận lợi hứa hẹn 2024 là một năm “sáng giá” của ngành dệt may nói chung.
Thời gian qua việc các công ty FDI mở rộng sản xuất, dệt và nhuộm tại Việt Nam cho thấy ngành dệt may đang có triển vọng tích cực. VITAS cũng cho hay, Việt Nam hiện đang có khoảng 3.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành dệt may, với tổng mức đầu tư khoảng trên 37 tỷ USD.
Trong đó, khu vực FDI đang nắm giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dệt may, đóng góp khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. TOP các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư lớn gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc...Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia số một trong đầu tư vào ngành dệt may ở Việt Nam.
Bên cạnh trợ lực từ doanh nghiệp FDI, các Hiệp định thương mại tự do cũng đóng góp không nhỏ trong việc hỗ trợ sự khởi sắc của ngành dệt may. Theo chuyên gia VPS, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn dần hồi phục, ECB có động thái hạ lãi suất, các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP và RCEP tiếp tục tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU và Nhật Bản. Những hiệp định này giúp giảm thuế và mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành dệt may Việt Nam.
Không chỉ vậy, hiện chúng ta đang có triển vọng chiếm thị phần của Trung Quốc tại Mỹ. Do lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và vấn nạn lao động cưỡng bức tại Tân Cương, nhiều công ty thời trang Mỹ đã quyết định giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam, cùng với Bangladesh, Campuchia và Indonesia, trở thành những lựa chọn thay thế hàng đầu cho các nhà nhập khẩu Mỹ.
Với yếu tố trong nước, hiện doanh số hàng may mặc tại Việt Nam đạt gần 250 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, tăng 7,4% so với năm 2022 dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tiêu thụ trong nước vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2024 và là một nguồn động lực quan trọng cho ngành dệt may.
Cùng với sức tiêu thụ trong nước lớn, nhờ vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đặc biệt là Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã được phê duyệt sẽ là một trong những lợi thế lớn của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Chú ý đến những cổ phiếu dệt may nào?
Theo chuyên gia VPS, trong giai đoạn hiện nay có 04 cổ phiếu dệt may nhà đầu tư có thể lưu ý, tham khảo cơ cấu thêm vào danh mục. Cụ thể:
• Cổ phiếu CTCP May Sông Hồng (MSH): Doanh thu quý 1 năm 2024 đạt 770 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 62 tỷ đồng, tăng 60%. MSH dự kiến đạt doanh thu 5200 tỷ đồng và lợi nhuận 370 tỷ đồng trong năm 2024.
• Cổ phiếu CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM): Doanh thu quý 1 năm 2024 đạt 934 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 78,7 tỷ đồng, quý cao nhất trong 6 quý trở lại đây. TCM dự kiến đạt doanh thu 3707 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 161 tỷ đồng trong năm 2024.
• Cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG): TNG gặp khó khăn với lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ trong quý 1 năm 2024, nhưng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao trong năm 2024. TNG có kế hoạch tăng vốn điều lệ và mở rộng đầu tư vào bất động sản.
• Cổ phiếu CTCP Sợi Thế Kỷ (STK): Doanh thu quý 1 năm 2024 đạt 265 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm 56%. STK đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2024 với doanh thu dự kiến 2703 tỷ đồng và lợi nhuận 300 tỷ đồng. (*)