Doanh nghiệp vẫn loay hoay với ‘điện sạch’
(KTSG Online) – Là yếu tố quan trong xu hướng “chuyển xanh” của các ngành
sản xuất, nhưng nguồn năng lượng tái tạo đang bị lãng phí bởi chưa thể hòa vào
lưới điện. Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận, hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin
(BESS) có thể giúp họ quản trị tốt hơn về nguồn năng lượng tái tạo hiện nay.
Tuy vậy, việc đầu tư là không dễ khi các doanh nghiệp vẫn băn khoăn về cơ
chế.
ĐMT như là một giải pháp cho phát triển xanh theo yêu cầu của thị trường. Ảnh minh họa: DNCC
Nhu cầu “điện sạch” rất cao
Với cam kết phát triển bền vững và các yêu cầu về chứng chỉ xanh, lãnh đạo một doanh nghiệp bán lẻ lớn nói với KTSG Online là rất muốn lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) trên mái các siêu thị, cửa hàng… để tự dùng.
Tuy nhiên, hiện nay có địa phương cho hòa lưới kèm bộ ngăn phát ĐMT dư lên lưới nhưng có địa phương lại không đồng ý đấu nối. Điều này khiến cho việc triển khai đầu tư ĐMT của doanh nghiệp vẫn chỉ là trong kế hoạch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam cho biết, công ty đang gặp trở ngại trong việc đấu nối lên lưới điện của khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh Đồng Nai, nơi có nhà máy doanh nghiệp ông đang hoạt động.
Theo ông Thắng, Schaeffler Việt Nam đầu tư hệ thống ĐMT theo hình thức tự sản, tự tiêu và do doanh nghiệp tự bỏ vốn ra đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư hạ tầng KCN Amata không cho doanh nghiệp đấu nối lên lưới điện của KCN, bởi lưới điện trong KCN này là được chủ đầu tư lắp đặt.
“Dù những chính sách, hay các nghị định, thông tư liên quan đến ĐMT nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng khi đi vào thực tế thì còn nhiều bất cập, vướng mắc ở góc độ địa phương, hoặc ở cấp độ quản lý của các KCN…”, ông Thắng chia sẻ.
Không chỉ hai doanh nghiệp trên mà rất nhiều doanh nghiệp khác muốn dùng ĐMT như là một giải pháp cho phát triển xanh theo yêu cầu của thị trường và xu hướng phát triển xanh trên thế giới.
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp trong KCN hiện nay đang rất quan tâm tới chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là về pháp lý.
Cả doanh nghiệp thương mại và sản xuất đều có nhu cầu cao sử dụng “điện sạch”. Ảnh: L.H
“Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp đều mong tính pháp lý cho ĐMT mái nhà phải hết sức rõ ràng, cụ thể và phải được thực hiện một cách đồng bộ”, ông Long nói.
Sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp giảm phát thải carbon nên các doanh nghiệp cho biết sẽ tăng dùng ĐMT và nghiên cứu pin lưu trữ để ổn định điện năng trong sản xuất và góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng trống chính sách khiến họ dè chừng đầu tư. Nhiều doanh nghiệp hiện chưa sẵn sàng đầu tư lớn để chuyển đổi năng lượng khi chính sách chưa rõ ràng.
Cân nhắc đầu tư hệ thống lưu trữ điện
Một vấn đề lớn để giải quyết tính bất ổn của điện tái tạo, nhất là ĐMT là phải có BESS thì các dự thảo hiện cũng chỉ mới đặt vấn đề khuyến khích. Trong khi đó hệ thống lưu trữ điện đã được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới và chi phí đầu tư đã giảm nhiều.
Theo Contemporary Amperex Technology Co. (CATL), nhà sản xuất pin lớn thế giới đánh giá, chi phí sản xuất pin lithium ngày càng giảm, kết hợp với những tiến bộ công nghệ, đã khiến BESS dễ tiếp cận hơn.
Đồng quan điểm, bà Elva Wang, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trina Solar nhìn nhận, chi phí đầu tư BESS đã giảm mạnh trong 10 năm qua. Đặc biệt, từ năm ngoái đến nay, giá hệ thống lưu trữ giảm đến phân nửa, các nhà máy dễ dàng đầu tư hệ thống lưu trữ hơn.
Nhu cầu sử dụng “điện sạch” tại doanh nghiệp rất lớn. Ảnh minh họa: DNCC
Tương tự, theo bà Sunita Dubey, đại diện quốc gia của Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) tại Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cùng lúc với xúc tiến các mục tiêu về khí hậu, Việt Nam cần hướng đến những giải pháp sáng tạo.
“Việc tích hợp BESS vào cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam cho thấy triển vọng về sự chuyển đổi năng lượng của quốc gia. Bằng việc lưu trữ năng lượng dư thừa trong các giai đoạn nhu cầu điện năng thấp và giải phóng năng lượng trong thời gian cao điểm, hệ thống này có thể tăng cường tính linh hoạt của lưới điện, giảm phát thải và giảm chi phí điện”, bà Sunita nói
Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa các lợi ích này, Việt Nam cần xúc tiến những chính sách và quy định hỗ trợ thúc đẩy quá trình triển khai.
Quy hoạch điện VIII cũng tính toán đến tỷ lệ tích hợp cao của năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, dự tính đến năm 2030 hệ thống điện Việt Nam phải có 2.700 MW lưu trữ năng lượng; trong đó 2.400 MW là thủy điện tích năng và 300 MW là pin lưu trữ.
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch, trong số 2.400 MW thủy điện tích năng, đến nay mới chỉ có thủy điện Tích năng Bác Ái với công suất 1.200 MW đang được xây dựng ở bước ban đầu. Nhà máy còn lại chưa hình thành dự án nên khó có thể đi vào hoạt động năm 2030.
Như vậy, BESS với ưu điểm triển khai nhanh, đặt được ở nhiều nơi, có thể sẽ cần công suất lớn hơn kế hoạch 300 MW để bù đắp sự thiếu hụt của thủy điện tích năng. Để đảm bảo phát triển theo quy hoạch và pin lưu trữ có thể đi vào hỗ trợ cho hệ thống điện, các chuyên gia cho rằng, cần các chính sách ưu tiên và khuyến khích hợp lý.
Trên thực tế, Viện Năng lượng đã lấy trường hợp điển hình là một nhà máy ĐMT có công suất 100 MW ở tỉnh có nắng tốt nhất Việt Nam. Nhà máy hiện đang được hưởng giá FIT1, 9,35 cent/kWh, nhưng do hạn chế truyền tải nên phải cắt bỏ công suất từ 5-20% lượng điện năng/năm. Nhưng nếu có BESS, nhà máy sẽ lấy phần điện bị cắt giảm vào giữa trưa để lưu trữ và bán vào những giờ sau đó, cho đến 22 giờ.
Ông Phạm Đăng An, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group cũng cho rằng, trong bối cảnh phát triển năng lượng tái tạo ngày càng trở nên cấp thiết, BESS đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Hệ thống lưu trữ sẽ giúp tối ưu hóa và ổn định nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nhất là ĐMT.
“Việc phát triển các hệ thống lưu trữ không chỉ giúp giảm áp lực lên lưới điện quốc gia mà còn đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định. Nhà nước cần hỗ trợ tài chính và phát triển các quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và an toàn cho các hệ thống này”, ông An đề xuất.
Có thể thấy hệ thống trên đang là công cụ thiết yếu để quản trị “sự bất định” của các nguồn điện tái tạo, giảm thiểu tắc nghẽn lưới điện và thất thoát điện năng. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần có chiến lược xây dựng nguồn cung ứng trong nước cho hệ thống lưu trữ. Đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng nguồn cung này từ ĐMT mái nhà.
Thực hiện được điều này sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm và tiết kiệm tiêu thụ điện của doanh nghiệp (vào giờ cao điểm), cũng như tích trữ ĐMT dư thừa và đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.
https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-van-loay-hoay-voi-dien-sach/