Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng là dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn, toạ lạc tại 2 huyện Dương Minh Châu và Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 12.600 tỷ đồng.
Với diện tích trải rộng trên mặt hồ Dầu Tiếng, công trình này chiếm khoảng 7,2km2 (gần bằng diện tích quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh) bao gồm 3 nhà máy thành phần: Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3.
Với tổng công suất lắp đặt lên tới 570 MW (chiếm hơn 10% tổng công suất các Nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam), đây từng được coi là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á khi đi vào hoạt động vào tháng 6/2019 (sau 1 năm khởi công).
Được biết, Hồ Dầu Tiếng là công trình thuỷ nông nhân tạo lớn nhất nước ta hiện nay với diện tích mặt nước 27km2, dung tích chứa khoảng 1,6 tỷ m3 nước. Hồ do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, vận hành, với công năng chính là phục vụ tưới tiêu cho trên 170 km2 đất nông nghiệp của các địa phương (Tây Ninh, Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh).
Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng đã sử dụng công nghệ pin mặt trời tiên tiến với khả năng chuyển đổi năng lượng hiệu quả từ ánh sáng mặt trời thành điện năng. Sau khi đi vào hoạt động, "rừng pin" tại cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng cung cấp nguồn điện với công suất khoảng gần 1 tỷ kWh mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ điện của gần 1 triệu hộ gia đình Việt Nam trong 1 năm nếu một hộ gia đình bình quân mỗi tháng dùng hết 80 số điện.
Riêng dự án Dầu Tiếng 1 và dự án Dầu Tiếng 2 có tổng cộng 1,3 triệu tấm pin mặt trời được cố định trên gần 200.000 cọc bê tông trải dài ven bờ hồ và khu đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng. Để gắn các tấm pin mặt trời lên cọc, phía nhà thầu đã sử dụng các thùng phuy kết thành bè và làm giàn giáo nổi. Những ngày đầu thi công do chưa quen với phương pháp này, nhiều công nhân bị say sóng, không ít người đã té nhào xuống nước khi đang làm việc trong điều kiện bồng bềnh trên mặt nước.
Sự xuất hiện của nhà máy điện mặt trời được đánh giá là mang lại kinh tế cho khu vực. Đây là cú hích để phát triển thêm các khu công nghiệp địa phương, tạo thêm công việc đáng kể cho nguồn lao động tại chỗ.
Ngoài việc góp phần giải quyết nhu cầu điện năng ngày càng tăng của Việt Nam, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng còn giúp giảm gần 600.000 tấn CO2 phát thải mỗi năm, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, vị trí của nhà máy trên hồ Dầu Tiếng giúp tối ưu hoá việc sử dụng đất, không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp và hệ sinh thái khu vực, đồng thời giảm thiểu sự bốc hơi nước, làm mát tấm pin và tăng hiệu suất phát điện. Trên ảnh là khu đất xung quanh nhà máy, chủ yếu là đất nông nghiệp.
Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Dự án này không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường mà còn đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia, mở đường cho nhiều dự án điện mặt trời và điện gió khác trong tương lai.
https://markettimes.vn/toan-canh-nha-may-dien-mat-troi-tung-lon-nhat-viet-nam-tong-muc-dau-tu-gan-13-000-ty-dien-tich-gan-bang-quan-1-65616.html