5 kỹ thuật Pattern có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành thời trang trong tương lai
Đó là những kỹ thuật Pattern Cutting & Shaping được sáng tạo bởi những nhà thiết kế đồng thời là những giáo sư – học giả – nhà nghiên cứu – giảng viên tài năng trên khắp thế giới.
Nếu như ngành công nghiệp thời trang cao cấp chịu sự thao túng của các tập đoàn thời trang xa xỉ. Nếu như Haute Couture bị điều khiển bởi những cá nhân kiệt xuất và những cái đầu điên rồ nhất. Thì dù thế nào đi nữa, “hậu kỳ” của toàn bộ ngành thời trang đều phải được hoàn thành trong phòng cắt. Ở nơi đó, trong tương lai, sẽ được “vận hành” bởi những kỹ thuật Pattern Cutting ưu trội nhất.
Đó là những kỹ thuật Pattern Cutting & Shaping được sáng tạo bởi những nhà thiết kế đồng thời là những giáo sư – học giả – nhà nghiên cứu – giảng viên tài năng trên khắp thế giới. Đó là những người “gieo mầm” và truyền cảm hứng cho tư duy thiết kế thời trang trong thời đại mới. 5 kỹ thuật Pattern được giới thiệu trong bài viết này, có thể được xem là những thành tựu lớn của thời trang đầu thế kỷ XXI, đã được ra đời và truyền bá rộng rãi bằng những bộ sách được biên soạn công phu, bằng sự kết nối không giới hạn của internet và tâm huyết của những con người trong lĩnh vực giáo dục. Tương lai của thời trang đang được dự đoán, sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi 5 kỹ thuật Pattern này với những giá trị thực tiễn cho môi trường, con người và lịch sử thời trang.
1. Zero Waste Garment by Timo Rissanen
Khái niệm thời trang Zero Waste đã được nhà thiết kế/tiến sĩ người Phần Lan – Timo Rissanen quan tâm đến từ khoảng năm 2004, khi ông đang nghiên cứu các nhà thiết kế của thế kỷ XIX – XX, một trong những nhân vật đó chính là Madeleine Vionet – một nhà thiết kế Pháp sáng tạo ra kỹ thuật “bias cut”. Việc nghiên cứu gợi nên cho ông một ý nghĩ rằng: thời trang không lãng phí có thể thực hiện được.
Khái niệm thiết kế Zero Waste chính là cố gắng hết sức để sáng tạo ra các mẫu quần áo không để lại nhiều mẩu vải vụn trên sàn phòng cắt. “Tham vọng” của tiến sĩ Timo Rissanen chính là phần chìm của tảng băng trôi, cực đoan hơn cả việc sử dụng thời trang hữu cơ hay tái chế, mà chính là không lãng phí một cách triệt để. Một cách để loại bỏ chất thải may mặc chính là tạo ra những pattern với mọi chi tiết cổ áo, miếng đệm, túi,… phải ăn khớp với nhau và “trang trải” một cách vừa khít trên khổ vải, hạn chế tối đa những mẫu vụn dư thừa. Một phương pháp khác là không cắt vải, chỉ drape trực tiếp trên mannequin với các kỹ thuật xếp, xoắn, kết, nối, tạo khối, layer và may thành phẩm.
Sách “Shaping Sustainable Fashion: Changing the way we make and use clothes” cộng tác viết bởi Alison Qwilt và Timo Rissanen, được Earthscan chính thức xuất bản từ tháng 2/2011. Ngoài tham gia giảng dạy tại trường thiết kế trên khắp thế giới, nhà tiên phong Zero Waste – Timo Rissanen đã thực hiện rất nhiều cuộc triển lãm thời trang Zero Waste cùng với các nhà thiết kế bền vững khác tại nhiều nơi trên thế giới. Tiến sĩ Timo Rissanen cũng chia sẻ công khai các kỹ thuật thiết kế Zero Waste trên blog cá nhân và website của mình, nhằm thúc đẩy “tính bền vững” trở thành một phần cốt lõi của quá trình sáng tạo và thiết kế thời trang trong tương lai.
Zero Waste Garment – chính là cố gắng hết sức để sáng tạo ra các mẫu quần áo không để lại nhiều mẩu vải vụn trên sàn phòng cắt.
2. Shaping Through Fabric Manipulation: knitwear by Juliana Sissons
Juliana Sisson là một giảng viên về Pattern Cutting và Design Through 3D Form tại các trường cao đẳng và đại học. Cô cũng là một nhà thiết kế dệt kim tự do (Freelance Knitwear Designer). Khách hàng của Juliana Sisson là những cá nhân hoặc các nhà thời trang lớn như Alexander McQueen, Louis Vuitton, Antoni & Alison, Hewitts of Savile Row, Shelley Fox,…
Shaping Through Fabric Manipulation là một kỹ thuật knitwear được sáng tạo bởi Juliana Sissons. Công việc của cô là quá trình khám phá và nghiên cứu việc tạo hình và tạo cấu trúc trên sợi, vải, vật liệu,…để xử lý, cải biến và thiết kế trang phục. Juliana Sisson tạo ra các sản phẩm dệt kim của minh bằng cách hoàn thành trực tiếp từ máy đan hoặc kết hợp với cắt rập phẳng và drape thủ công trên giá đỡ. Cô tìm kiếm sự mới lạ để thao tác trên sợi, thử nghiệm sự tương phản giữa các vật liệu như vải lanh với chất liệu đàn hồi, len với lụa hoặc kết hợp với vải sợi kim loại (steel fabric),...Các tác phẩm của Juliana Sisson được trưng bày ở các phòng triển lãm và viện bảo tàng tại Brighton và trên khắp nước Anh. Ngoài ra, cô cũng thường xuyên tham gia các hội thảo và tổ chức triển lãm, trình diễn, đồng thời duy trì thiết kế và sáng tạo pattern tại bảo tàng Victoria & Albert.
Loạt sách “Basic Fashion Design” được Juliana Sisson biên soạn dành cho các sinh viên ngành thời trang và may mặc, được AVA Academia xuất bản vào tháng 10/2010. Trong đó quyển số 6 – Knitwear, giới thiệu thực tế về việc sử dụng hàng dệt kim trong thiết kế thời trang, thông qua việc minh họa hình ảnh và biểu đồ. Sách cũng mô tả nhiều loại sợi, đặc điểm và tính chất của mỗi loại từ truyền thống đến hiện đại. Tác giả cũng giải thích về các máy móc và dụng cụ liên quan, mở ra một nguồn kiến thức phong phú đối với ngành công nghiệp thời trang dệt kim và cung cấp một cái nhìn sâu sắc trong lĩnh vực kinh doanh thực tiễn.
3. TR Cutting by Shingo Sato
TR Cutting hay Transformational Reconstruction, giải thích một các đơn giản chính là kỹ thuật cắt, phá vỡ và tái cấu trúc. Được sáng tạo bởi giáo sư – nhà thiết kế thời trang Shingo Sato. Giáo sư đã thành lập Sato Architectural Design Office (1970) và mở trường tư thục TR Cutting (2002) để truyền dạy kỹ thuật mới này đến các thế hệ nhà thiết kế trẻ, đầu tiên tại Milan và di chuyển ra khắp thế giới. Ngày nay, học viên của giáo sư Shingo Sato bao gồm các nhà thiết kế/kỹ thuật viên từ các nhà thời trang nổi tiếng như Armani, Escada, Burberry, Versace,…
Nguyên lý “tái thiết” trong kỹ thuật TR Cutting chính là dựa trên sự hiểu biết về cấu trúc cơ thể, ở những vị trí thích hợp tạo nên các đường cắt phá vỡ cấu trúc rập ban đầu, kết hợp với các kỹ thuật xếp, xoắn, layer, drape, đóng mở tạo volume 3D,… để xây dựng nên phom dáng và kết cấu mới. Từ bộ rập được dựng trên manaquine, sáng tạo và thao tác trực quan từ 3D và chuyển thành 2D pattern, tạo ra những mẫu thiết kế được loại bỏ hoàn toàn các đường ráp cơ bản và phương pháp cắt may truyền thống.
Ngoài được thỉnh giảng tại các trường cao đẳng và đại học về thiết kế – thời trang – nghệ thuật, giáo sư Shingo Sato cũng chia sẻ kỹ thuật TR Cutting qua kênh Youtube, Facebook Fanpage và xuất bản bộ sách “Transformational Reconstruction”, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của TR Cutting đến mọi nơi và tất cả những ai mong muốn tìm hiểu. Giáo sư Shingo Sato đã mang kỹ thuật TR Cutting đến khắp mọi nơi trên thế giới, thông qua các buổi hội thảo và triển lãm trên khắp Anh, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Hàn, Nhật, Ấn, Trung Quốc,…
Hiện nay, kỹ thuật TR Cutting đã được biết đến tại Việt Nam. F.A.C.E là nơi duy nhất cung cấp chương trình TR Cutting Advance giảng dạy trực tiếp bởi giáo sư Shingo Sato, dành cho các bạn trẻ đang theo học và làm việc trong ngành thiết kế thời trang tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Khóa học gần nhất được khai giảng vào ngày 21/6/2017 và kéo dài đến 23/6/2017, để tìm hiểu thêm mời truy cập tại đây.
4. Pattern Magic by Tomoko Nakamichi
Người Nhật. Bạn có thể nói: Lại là người Nhật? – Pattern Magic là kỹ thuật sáng tạo trên rập, được nghiên cứu bởi tác giả Tomoko Nakamichi. Sau nhiều năm làm giáo sư tại Bunka Fashion College, Tomoko Nakamichi đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu và xuất bản sách, hiện tổ chức các khóa học và giảng dạy về các kỹ thuật pattern ở Nhật Bản và quốc tế. Bộ sách “Pattern Magic” viết bởi giáo sư Tomoko Nakamichi được xuất bản từ năm 2010 bởi Laurence King, bao gồm 3 quyển: Pattern Magic, Pattern Magic 2 và Pattern Magic Stretch.
Trong khi TR cutting trực tiếp thao tác và sáng tạo trên model 3D và tái cấu trúc rập trên 2D, Pattern Magic của giáo sư Tomoko Nakamichi thao tác trên các pattern bằng kỹ thuật 2D để dựng 3D. Cách tiếp cận của Pattern Magic trong phương pháp của Tomoko Nakamichi, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, hình học, hình khối 3D,… và được sắp xếp từng bước về cấp độ, mang đến cảm hứng sáng tạo và nền tảng kỹ thuật cho sinh viên cũng như các nhà thiết kế, kỹ thuật viên chuyên nghiệp trong ngành thời trang.
Trong khi Pattern Magic thao tác trên các pattern bằng kỹ thuật 2D để dựng 3D, TR cutting trực tiếp thao tác và sáng tạo trên model 3D và tái cấu trúc rập trên 2D.
5. Subtraction Cutting by Julian Roberts
Julian Roberts, là một học giả và nhà thiết kế đến từ London, người đã có mặt tại khắp các lớp học pattern cutting của hơn 25 qu��c gia trên thế giới (bao gồm cả Việt Nam), để chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật Subtraction Cutting của mình. Subtraction Cutting là một phương pháp “cắt rỗng” được Julian Roberts sáng tạo và thực hành giảng dạy tại các trường đại học trên toàn thế giới từ năm 1998. Những kỹ thuật và phương pháp cắt may này đã được nhà thiết kế cung cấp miễn phí trên internet từ năm 2001.
Nguyên tắc thiết kế Subtraction Cutting chính là phom dáng trang phục được tạo nên bằng sự loại bỏ các phần vải, thay vì là sự kết hợp may nối các mảnh vải rời rạc như thân trước, thân sau, tay raglan,…theo cách truyền thống. Sử dụng các thân rập cơ bản, lựa chọn vị trí tùy ý hoặc của lo lường chủ đích, kết nối các vị trí thích hợp, cắt bỏ các phần vải để tạo ra các khoảng trống (holes cut) từ trên mảnh vải nguyên vẹn, từ đó sẽ vận dụng các kỹ thuật xoắn, xếp, rút, drape,… để sáng tạo nên phom dáng 3D mới.
Subtraction Cutting là một phương pháp để tạo ra patterns, qua cách khám phá, phân tích trực tiếp trên cơ thể; và tiếp cận khả năng cắt nhanh mà không phải phụ thuộc nhiều đến số liệu, tính chính xác và nhảy size (nhảy cỡ). Có thể nói, Subtraction Cutting là phương pháp thiết kế với pattern, không giống như phương pháp tính toán để tạo ra các pattern phục vụ cho quá trình thiết kế.
Kết
Ngoại trừ Pattern Magic – Tomoko Nakamichi đã xuất hiện từ khá sớm và sự lan tỏa khá mờ nhạt, 4 kỹ thuật Pattern Cutting & Shaping còn lại, bao gồm: Zero Waste, TR Cutting, Shaping Through Fabric Manipulation và Subtraction Cutting lần lượt bởi giáo sư Timo Rissanen, Shingo Sato, Juliana Sissons và Julian Roberts là những cái tên đã được đề xướng bởi tạp chí Financial Times, được xem là những “tay cắt” sẽ đem đến một diện mạo mới cho ngành công nghiệp may mặc thế kỷ XXI. Và 5 kỹ thuật này bởi 5 nhân vật đại diện này, như “hạt giống” đang được “gieo trồng” tại khắp các trường cao đẳng đại học và mọi phạm vi liên quan của ngành thời trang trên khắp thế giới.