Một nhà thám hiểm, khi đi ngược dòng sông Trường Giang, Trung Quốc, đã đến ngôi làng nhỏ và hẻo lánh trong vùng đồi núi của Tây Tạng. Nhà thám hiểm tự nhủ: “Trong một thôn xóm nguyên thủy và cách xa mọi thứ như thế này, hẳn là không một tiến bộ khoa học kỹ thuật vươn nào đến được”.
Thế nhưng, ngay lúc ấy, anh nghe âm thanh ro ro, rì rào rất quen thuộc. Tiến gần đến nơi phát ra tiếng động, anh ta ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ bản xứ cúi trên sàn của túp lều bằng đất bện, đang cố gắng may chiếc váy bằng máy may Singer.
Singer là nhãn hiệu máy may được chế tạo nhiều nhất trên thế giới. Thời ấy, hãng Singer in tờ quảng cáo bằng 54 thứ tiếng và, tại nhiều quốc gia, có vẻ như Singer là biểu hiện duy nhất của nền công nghiệp hiện đại. Ở Congo, có một nhà máy sản xuất áo sơ mi chỉ trang bị duy nhất máy may nhãn hiệu Singer và một chi nhánh của hãng Singer đặt tại Na Uy, gần Bắc cực.
Ở một số vùng của đất nước Ấn Độ, nhãn hiệu Singer rất phổ biến. Tại đây, các tòa nhà của nhà máy sản xuất máy may Singer to lớn hơn cả các tòa đại sứ và tổng lãnh sự các nước. Gần đây, bưu điện Ấn Độ đã chuyển một lá thư đến người nhận ghi địa chỉ ngoài bì thư như sau: “Kính gởi đến ngài Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, kế bên hãng máy may Singer ở Calcutta”.
Được học may với chiếc máy may Singer, nhà lãnh đạo Gandhi đã hủy bỏ một quyết định cấm chỉ đối với ngành công nghiệp phương Tây nhằm chiếu cố lợi ích của chiếc máy may mà ông cho là “một trong những công cụ quí hiếm thực sự có ích, chưa từng được chế tạo cho đến nay”.
Douglas Alexander, người Canada, giám đốc hãng máy may Singer trong suốt 44 năm, đã mô tả bằng một câu duy nhất phương pháp làm việc của hãng: “Chúng tôi rất lấy làm hài lòng sản xuất ra máy may Singer, quảng bá ra thị trường, bán nó và tái đầu tư để chế tạo ra chiếc máy may mới, tối tân hơn”. Một câu rất đơn giản giải thích phương pháp sản xuất và tiêu thụ trên 100 triệu máy may, giúp tiết kiệm được hàng triệu giờ lao động của các bà mẹ trong các gia đình trên toàn thế giới. Thành lập năm 1851, hãng máy may Singer đã không ngừng đạt được từ thành công này đến thành công khác.
Isaac SingerIsaac Singer, người đã lấy tên mình đặt cho hãng, sinh ra ở Hoa Kỳ, trong một gia đình người Đức nhập cư. Một hôm, Isaac mượn số tiền 40 đô la làm vốn để chế tạo chiếc máy may đầu tiên vào năm 1850 tại Boston. Thoạt đầu, chiếc máy may gặp trục trặc kỹ thuật và không chịu hoạt động. Nản lòng, Isaac định bỏ cuộc, nhưng ông sực nhớ có một chi tiết ông hiệu chỉnh chưa chuẩn. Sau khi khuyết điểm được khắc phục, máy may vận hành trơn tru. Đây là cái máy may đầu tiên cho phép may một cách liên tục. Vài năm trước đó, một người Pháp tên Barthélémy Thimonnier đã chế tạo một chiếc máy may để may quân phục. Do ganh tị, các thợ may đã đập bể máy may này ra từng mảnh. Mặt khác, vào năm 1834, Walter Hunt, người sáng chế ra kim băng và cổ áo bằng xeluloza, đã chế tạo ra một máy may tương tự, nhưng ông đã bỏ nó vào góc xó vì con gái của ông cho rằng máy may sẽ làm giảm số lượng thợ may khiến họ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Năm 1846, Elias Howe, một người Mỹ ở New England, một vùng thuộc miền Đông Bắc Hoa Kỳ, đã nhận được giấy chứng nhận sáng chế ra một chiếc máy gồm một con thoi và một cây kim đầu có một lỗ nhỏ. Khi Singer và hai nhà sáng chế khác cho ra đời những chiếc máy may hoàn chỉnh, Elias Howe kiện họ ra tòa. Trong phiên tòa, có ý kiến nêu lên rằng nhà sáng chế không thể chế tạo máy may mà không có con thoi và cây kim có lỗ. Vả lại, mỗi lần may, máy may do Howe sáng chế chỉ may được một đường may dài chừng vài centimét, do đó không có giá trị về kinh tế nếu không được cải tiến như các máy may của bên bị đơn.
Thế là cả 4 nhà sáng chế gởi đơn thưa kiện và tấn công lẫn nhau trong một chiến dịch quảng bá sôi nổi được báo chí lúc bây giờ đặt tên là “cuộc chiến máy may”. Cuộc tranh cãi kết thúc với sự ra đời của tập đoàn sản xuất máy may đầu tiên của Hoa Kỳ. Tập đoàn được quyền thu một khoản tiền bản quyền là 15 đô la trên một máy may được sản xuất. Số tiền này được chia cho bốn nhà sáng lập, trong đó Elias Howe nhận được một phần cao hơn 3 người kia. Tập đoàn tồn tại, nhưng số tiền bản quyền ngày một giảm đi, và kết thúc vào năm 1877, năm mà bằng sáng chế cuối cùng hết giá trị. Cùng lúc đó, 24 công ty mới thành lập được phép sản xuất máy may.
Những chiếc máy may Singer đầu tiên là những máy may sử dụng trong nền công nghiệp nặng. Đến năm 1856, một máy may có mẫu mã nhỏ, gọn nhẹ hơn được chế tạo sử dụng trong gia đình giúp cho các bà nội trợ có thể hoàn thành chỉ trong 1 giờ công việc may vá mà trước đây họ phải mất 13-14 giờ. Nhưng giá bán 159 đô la/một máy may là quá cao bởi thu nhập bình quân của một gia đình lúc bấy giờ là 500 đô la/năm! Để khắc phục nhược điểm này, công ty Singer đã quyết định áp dụng kiểu thanh toán “bán trả góp”: lần đầu người mua trả 5 đô la tiền mặt, sau đó trả tiếp 3 đô la/tháng cho đến khi trả đủ số tiền. Đây là kiểu “bán trả góp” nguyên thủy mà sau này được áp dụng rộng rãi trong nền kinh tế thế giới.
Chẳng bao lâu sau, máy may Singer được xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 1855, một kiểu mẫu của máy may Singer được trao huy chương vàng trong cuộc triển lãm quốc tế tại Paris. Tiếp đến, máy may Singer được quảng bá đến Rio de Janeiro, lúc bấy giờ là thủ đô của Brazil. Đến năm 1861, dù nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển rất tốt, số lượng máy may Singer xuất khẩu đã vượt qua số lượng tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Thời ấy, Singer là công ty có quan hệ thương mại với nhiều nước nhất trên thế giới. Thời gian đã chứng minh hệ thống mua bán và cách thanh toán linh động đã thành công bền vững. Tại Manila, thủ đô Philippines, trong thời Thế chiến thứ hai, toàn bộ số liệu, hóa đơn lưu trữ của Singer đã bị tiêu hủy. Thế ma, khi hòa bình lập lại, 50.000 khách hàng đã tự nguyện tiếp tục trả góp phần tiền còn lại! Chính tính trung thực của những khách hàng nhỏ này đã giúp Singer có đủ vốn để phát triển và chia lợi tức cổ phần trong suốt 87 năm liên tiếp.
Những người đại diện bán máy may Singer phải vừa là thợ máy, vừa là người thu tiền, vừa là thợ may giỏi có năng khiếu về mặt. Các nhân viên của Singer đi khắp các nẻo đường châu Phi để giới thiệu sản phẩm và săn tìm khách hàng. Một hôm, tại một ngôi làng của người bản địa, các bà nội trợ chê máy may phát ra tiếng động quá to là do “chất lượng kim loại không tốt”. Đại diện bán hàng của Singer liền điều chỉnh tiếng máy đúng theo yêu cầu. Tại Indonesia, một nhân viên chào hàng của Singer, dù bị thương nặng trong một tai nạn, cũng đã bán được 8 chiếc máy may cho các y bác sĩ của bệnh viện, nơi anh điều trị.
Tại Nhật Bản, chiếc áo kimono thường được may với các mũi khâu thật to để có thể dễ dáng tháo ra mỗi khi giặt. Một đại diện của Singer đã đề xuất máy may có thể điều chỉnh mũi khâu thưa và nhặt để làm hài lòng khách hàng người Nhật. Sau này, với sự trợ giúp của hầu tước Okuma ở Nhật Bản, công ty Singer đã khai trương trường dạy may đầu tiên tại Nhật Bản, dạy hàng ngàn phụ nữ Nhật may Âu phục. Nước Nga đồng ý nhập khẩu máy may Singer, sau khi người đại diện năng động của công ty đã sử dụng máy may Singer để may 250.000 tấm lều dành cho quân đội Nga hoàng.
Những người đại diện công ty Singer không bao giờ đi giới thiệu hàng mà không mang theo quà tặng như bưu thiếp, kính soi mặt cầm tay, đê may, thước đo, quạt tay, lịch… Singer là công ty đầu tiên trong lịch sử đã bỏ ra chi phí quảng cáo lên đến 1 triệu đô la/năm.
Nhãn hiệu Singer mang hình chữ S được biết đến ở tất cả các nước trên toàn cầu. Phu nhân các nhà lãnh đạo quốc gia là người luôn mặc quốc phục ở bên cạnh chồng trong các buổi tiếp tân. Thỉnh thoảng các phụ nhân được sửa lại mái tóc, nối dài hoặc rút ngắn chiếc váy sao cho lúc nào cũng hợp thời trang. Ở Ấn Độ, một đại diện đầy óc sáng tạo của Singer đã làm rạng danh máy may Singer nhờ một ý tưởng tài tình. Anh ta cho in chữ Singer trên hàng ngàn mét vải bông rồi bán ra với giá rẻ hơn giá vốn. Thế là hàng trăm người Ấn Độ mặc khố Singer đi khắp phố phường, tạo thành những tấm bích chương quảng cáo di động cho công ty.
Ngay từ đầu, Singer là công ty tự sản xuất. Gỗ dùng để làm thùng bàn máy được trồng trong những cánh rừng của công ty, được cưa xẻ trong những xưởng cưa của công ty và chuyển đến nhà máy trên những toa tàu hỏa cũng của chính công ty. Khởi đầu từ việc đúc gang, các bộ phận rèn thô, các sợi kim loại, Singer đã tự sản xuất 4.000 mẫu máy may và 8.400 mẫu kim máy may. Singer cũng tự sản xuất động cơ điện cho bàn máy may điện. Ấn tượng hơn nữa là Singer bán trực tiếp sản phẩm đến khách hàng thông qua hàng ngàn trường dạy may nằm rải rác trên khắp thế giới. Sau cùng là Singer có hệ thống chi nhánh trên toàn cầu, sẵn sàng sửa chữa, bảo trì và cung cấp bộ phận thay thế.
Năm 1867, tại Scotland, Singer sản xuất chiếc máy may đầu tiên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ. 15 năm sau, George Ross McKenzie lên kế nhiệm của Clark, trong vai trò người đứng đầu công ty Singer. Sinh ra ở Scotland, George Ross McKenzie rời quê hương khi còn rất trẻ, nay lại trở về Scotland để xây dựng nhà máy sản xuất máy may Singer lớn nhất thế giới tại thị trấn Clydebank thuộc thành phố Glasgow. Bàn máy may Singer có vai trò cực kỳ quan trọng đối với Clydebank đến độ hình của nó được đưa vào huy hiệu của thị trấn.
Mẫu mã máy may và kim may Singer đa dạng và phức tạp đến độ quyển danh mục đầy đủ của nó cân nặng đến 5kg. Chiếc máy may Singer dành cho trẻ em có kích thước nhỏ nhất có thể đặt vào lòng bàn tay, nhưng vẫn có thể may được một cách hoàn thiện. Chiếc máy may Singer khổng lồ nhất, nặng đến 1 tấn, được dùng để may dây curoa băng tải dày 4 phân. Chiếc máy may Singer đắc tiền nhất trị giá đến 3.000 đô la, có khả năng thực hiện đường may hình chữ chi trên vải làm bằng lông lạc đà được dùng trong sản xuất dầu lanh và bông.
Điện và sự hoàn thiện của các bạc đạn đã giúp làm tăng năng suất cho máy may Singer rất nhiều. Một máy may dùng trong gia đình có thể thực hiện đến 1.500 mũi may/phút. Nhiều mẫu máy may công nghiệp có thể thực hiện đến 5.000 mũi may/phút. Dù vậy, máy may có thể được dừng ngay tức khắc mà không gây bất kỳ nguy cơ nào. Một số máy may Singer còn có hệ thống tra dầu tự động và kim may được làm mát bằng dòng không khí.
Một trong những mẫu máy may mới nhất của Singer thậm chí không có kim may. Đó là chiếc máy may lắp ráp các miếng vải bằng chất dẻo thành áo đi mưa, rèm tắm, quả khí cầu… Những miếng vải bằng chất dẻo được hàn dính kết vào nhau bằng nhiệt tỏa ra từ hai điện cực tần số cao. Nhiều mẫu máy may Singer khác được dùng để đóng tập các quyển sách, may vớ ni lông và may miệng các bao hàng.
Đến đầu thế kỷ 20, thị trường máy may Hoa Kỳ dường như bão hòa. Quần áo may sẵn và yêu cầu phụ nữ đi làm việc bên ngoài đã góp phần tách họ ra khỏi công việc nội trợ. Do đó, Singer đã tập trung mọi nỗ lực vào thị trường quốc ngoại và giảm chi phí quảng cáo đáng kể ở Hoa Kỳ. Nhưng vào thời kỳ khủng hoảng 1930, phụ nữ Mỹ gặp khó khăn về tài chính và tìm niềm vui trong việc may vá, nhờ đó mà chiếc máy may đã hồi phục lại thời vàng son như chưa từng bị thất bại.
Trong một thời gian dài, Singer là chiếc máy may được hàng triệu gia đình trên toàn cầu chào đón về nhà. Và như một trong những vị giám đốc của Singer từng nói: “100 năm đầu tiên kể ngày thành lập là thời kỳ mà chúng tôi phải nỗ lực hết mình. Hiện nay chúng tôi không còn gì phải lo sợ, trừ phi phong trào khỏa thân bùng nổ trên toàn cầu”.
https://doanhnhanplus.vn/lich-su-de-nhat-may-may-singer-554920.html